Tín Nghĩa nỗ lực 'thoát lầy'

Bối cảnh kết quả kinh doanh không khả quan cho thấy việc tái cấu trúc trở nên cấp bách với Tổng công ty Tín Nghĩa (TID).

Cuộc họp Hội đồng quản trị bất thường cuối tuần trước của Tổng công ty Tín Nghĩa (TID) đã thông qua hàng loạt vấn đề quan trọng trong đó có việc thoái toàn bộ lượng cổ phần đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch (NTW) và Công ty cổ phần ICD Tân Cảng - Long Bình (ILB).

Nối tiếng là“ông lớn” khu công nghiệp nhưng doanh thu chính của Tín Nghĩa đến từ cà phê.

Nối tiếng là“ông lớn” khu công nghiệp nhưng doanh thu chính của Tín Nghĩa đến từ cà phê.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019, Tín Nghĩa đang đầu tư vào chứng khoán kinh doanh và đầu tư vào các đơn vị khác giá trị khoảng 138 tỷ đồng.

Trong đó, số cổ phầnCấp nước Nhơn Trạch có giá vốn hơn 6,6 tỷ đồng, tính tới cuối quý III/2019 có giá thị trường là khoảng 5,9 tỷ đồng; và lượng cổ phiếu ICD Tân Cảng - Long Bình có giá trị đầu tư 3,86 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp Hội đồng quản trị bất thường, TID cũng quyết định chấm dứt hoạt động Xí nghiệp Xây dựngTín Nghĩa nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tổng công ty.

Đồng thời, Tổng công ty thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với quy mô 300 tỷ đồng, thời gian dự kiến trong tháng 12/2019. Mục đích của đợt phát hành là tìm nguồn vốn đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Ông Kèo.

Tiền thân của Tín Nghĩa Corp là Công ty Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai, được thành lập từ tháng 9/1989. Tín Nghĩa được xem là doanh nghiệp "con cưng" của tỉnh Đồng Nai, bởi luôn nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam.

Ngay sau IPO, Tín Nghĩa tiến hành cổ phần hóa, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 5/2016 với vốn điều lệ ban đầu 1.558 tỷ đồng. Đến tháng 7/2018 Tín Nghĩa phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng như hiện nay.

Cũng sau IPO, CTCP Đầu tư Thành Thành Công của doanh nhân Đặng Văn Thành đã quyết định chi hơn 500 tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư chiến lược mua 35% vốn TID. Đến thời điểm hiện tại, Thành Thành Công còn tỷ lệ 29,75% vốn Tín Nghĩa và có 2 thành viên trong ban lãnh đạo là bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Thái Văn Chuyện.

Bên cạnh cổ đông chiến lược là Thành Thành Công, Tín Nghĩa còn có cổ đông Nhà nước là Tỉnh ủy Đồng Nai sở hữu hơn 96 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 48,1% vốn tính đến 30/6.

Tín Nghĩa cũng là doanh nghiệp nổi tiếng với quỹ đất khủng. Tổng công ty đầu tư 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500 ha.

Triển vọng ngành KCN tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam với nguồn vốn FDI ngày càng tăng. Nguồn FDI dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới khi chi phí lao động và chi phí thuê đất công nghiệp của Việt Nam vẫn rẻ hơn so với một số nước trong khu vực.

Trong lĩnh vực kho cảng và logistics, Tổng công ty Tín Nghĩa đã triển khai điểm thông quan ngoài khu vực cửa khẩu Biên Hòa và Đồng Nai thông qua 2 công ty: Công ty cổ phần Logistic Tín Nghĩa - ICD Biên Hòa (ICD Biên Hòa) và Công ty cổ phần Cảng container Đồng Nai (ICD Đồng Nai).

Tín Nghĩa cũng là đầu mối kinh doanh xăng dầu hàng đầu tại phía Nam với mạng lưới 42 trạm xăng dầu thông qua công ty con CTCP Xăng dầu Tín Nghĩa. Ngoài ra, Tín Nghĩa còn đầu tư vào bất động sản, xây dựng, thương mại,…

Mặc dù được biết đến như là một trong những "ông trùm" trong ngành khu công nghiệp. Tuy nhiên lĩnh vực kinh doanh mang lại doanh thu chính cho Tín Nghĩa nhiều năm qua lại là xuất khẩu cà phê và nông sản. Trong đó xuất khẩu cà phê là mặt hàng chủ lực giúp Tín Nghĩa đứng thứ 2 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, chỉ xếp sau tập đoàn Intimex.

Bên cạnh xuất khẩu cà phê, năm 2005 Tín Nghĩa đã đầu tư sản phẩm giá trị gia tăng mặt hàng cà phê rang xay, cà phê hòa tan “3 trong 1” với thương hiệu Scafe’. Đến 2016, Tín Nghĩa cùng với một số đối tác đã đầu tư nhà máy sản xuất cà phê hòa tan công suất 3.200 tấn sản phẩm giai đoạn 1.

Ngoài cà phê, Tổng Công ty còn kinh doanh nhập khẩu các mặt hàng thức ăn chăn nuôi và các mặt hàng khác (hạt nhựa, sắt thép, đèn led, …).

Đây cũng là lý do, 9 tháng đầu năm, hiệu quả hoạt động của Tổng công ty không lấy làm khả quan bởi giá xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm mạnh, trong khi giá mua trong nước cao hơn giá xuất khẩu làm sản lượng mua vào giảm, kéo theo doanh thu và lợi nhuận đi xuống.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tin-nghia-no-luc-thoat-lay-163933.html