Tin mới về y tế ngày 1/11: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về thiếu máu
Bộ Y tế khẳng định, nếu tình trạng thiếu máu kéo dài tại tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải xem xét hình thức kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm.
Xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm
Bộ Y tế khẳng định, nếu tình trạng thiếu máu kéo dài tại tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải xem xét hình thức kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm, nếu có (trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm) ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh.
Trước phản ánh về tình trạng thiếu máu lại diễn ra tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày gần đây, Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi UBND TP. Cần Thơ; Sở Y tế TP.Cần Thơ; Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ; Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương và các trung tâm truyền máu yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đầu tháng 6/2023, tình trạng thiếu máu tại khu vực này đã diễn ra, Bộ Y tế đã nắm bắt tình hình và liên tiếp có 4 văn bản hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan để hỗ trợ cung cấp máu cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhờ đó, đến nay, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ và các trung tâm truyền máu, tổng lượng máu Bộ Y tế điều phối hỗ trợ cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ để cung cấp cho 74 bệnh viện khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 6/2023 đến nay là gần 65.000 đơn vị máu. Sự chi viện quý báu này đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho cấp cứu và điều trị người bệnh trong khu vực.
Tuy nhiên đến ngày 30/10/2023, công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP.Cần Thơ vẫn chưa có đủ để bệnh viện tiếp nhận và cung cấp máu đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.
Trước tình hình cấp bách này, Bộ Y tế đề nghị Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các trung tâm Huyết học-Truyền máu xem xét nguồn máu của trung tâm; điều chỉnh, cân đối hỗ trợ một phần cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP. Cần Thơ trong vòng 2 tuần tới (đến 1 tháng nếu như Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ vẫn chưa tự bảo đảm đầy đủ nguồn cung máu);
Phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các tổ chức xã hội trong việc huy động hiến máu, bảo đảm nguồn cung máu và các chế phẩm máu, dự phòng cho nhu cầu về máu của các địa phương khác trong thời gian tới.
Sở Y tế TP.Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ cần chủ động liên hệ với Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và các trung tâm Huyết học-Truyền máu để bảo đảm nguồn cung máu và các chế phẩm máu cho TP Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế TP.Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không bảo đảm nguồn cung ứng máu, ảnh hưởng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và uy tín chung của ngành.
Hai đơn vị này khẩn trương báo cáo UBND TP.Cần Thơ tổ chức đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm, túi máu đầy đủ để phục vụ công tác truyền máu; báo cáo kết quả và tiến độ mua sắm về Bộ Y tế.
Trong trường hợp vẫn chưa mua sắm được, yêu cầu Sở Y tế tìm mọi cách huy động các nguồn lực của địa phương và xã hội để có vật tư, túi máu… phục vụ công tác cung ứng máu.
Đối với UBND TP.Cần Thơ, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành hỗ trợ Sở Y tế, bệnh viện mua sắm hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện nếu Sở Y tế không đáp ứng được công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu trong tháng 11/2023.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương phối hợp thực hiện để đạt mục tiêu bảo đảm đầy đủ nguồn cung ứng máu và chế phẩm máu cho người bệnh tại TP. Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã giao Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu Quốc gia làm đầu mối điều phối, phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Truyền máu - Huyết Học TP.HCM và các trung tâm truyền máu khác, bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ.
Liên tiếp cấp cứu cho các nạn nhân tai nạn giao thông
Theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ của bệnh viện đang nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân bị thương nặng nhất trong vụ tai nạn giao thông ở Lạng Sơn. Ông hy vọng với kinh nghiệm và chuyên môn ngoại khoa xử lý chấn thương của các bác sĩ, bệnh viện sẽ cứu được bệnh nhân.
Trước đó, vào khoảng 2h10 sáng 31/10, tại Km 70+800 quốc lộ 1A, đoạn qua dốc Rừng Cấm, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Thời điểm trên, xe chở khách 16 chỗ đâm vào đuôi xe sơ-mi rơ-moóc đang dừng bên phải đường theo chiều Lạng Sơn - Hà Nội. Sau khi đâm vào phía sau xe tải sơ-mi rơ-moóc, xe 16 chỗ tiếp tục va chạm với một xe container chạy hướng ngược lại. Vụ tai nạn làm 5 người tử vong, 10 người bị thương.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân V.T.C tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, tất cả các chuyên gia của các chuyên khoa đều có mặt để khám tổng thể vì bệnh nhân bị đa chấn thương, không được phép để sót thương tổn.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức TS.BS Dương Đức Hùng trực tiếp có mặt chỉ đạo công tác cứu chữa. Sau khi chụp chiếu và đánh giá lại tình trạng chấn thương, bệnh nhân đang được phẫu thuật cấp cứu giải quyết chấn thương ngực nặng.
Bệnh nhân được xác định đa chấn thương, sọ não, ngực, vỡ phổi, gãy xương đùi phức tạp, gãy cánh tay. Các bác sĩ của bệnh viện đang nỗ lực cứu sống bệnh nhân.
Được biết, Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) tiếp nhận 6 nạn nhân trong vụ tai nạn trên. Có 3 trường hợp chỉ xây xước nhẹ đã ra về sau đó, 3 bệnh nhân nặng hơn, trong đó, 2 người đã được chuyển về Quảng Ninh còn một trường hợp (vợ của ông T.) bị chấn thương nhẹ hơn chồng.
4 nạn nhân được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, ngoài ông C. chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức, 3 bệnh nhân còn lại tình trạng nhẹ hơn, đã được các bác sĩ mổ cấp cứu, xử trí ban đầu. Một bệnh nhân sau khi cấp cứu, tình trạng ổn định đã xin ra viện về lo hậu sự cho vợ.
Ngay sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn tập trung tối đa lực lượng bác sĩ, cán bộ y tế, thuốc, trang thiết bị y tế để khẩn trương cứu chữa kịp thời các trường hợp tai nạn, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm thiểu những thiệt hại do vụ tai nạn.
Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế Lạng Sơn khẩn trương đề xuất các kiến nghị với Bộ Y tế nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác cấp cứu tai nạn giao thông; phối hợp chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hoặc chuyển tuyến kịp thời.
Cũng về tai nạn giao thông, tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Nông cho hay, vừa qua đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện đã mổ cấp cứu kịp thời cứu sống 2 trường hợp bị tai nạn giao thông gãy xương nhiều vị trí, vỡ nội tạng nguy kịch đến tính mạng.
Đáng nói, các nạn nhân đều là học sinh nhỏ tuổi tự điều khiển xe máy tham gia giao thôn trong điều kiện trời mưa và đêm tối.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Vũ Văn K., 15 tuổi trú tại Thị trấn Đức An (Đăk Song). Người nhà bệnh nhân cho biết, tối 25/10, trời mưa, trên đường đi học về Kiều bị ngã xe máy và đập người xuống đường.
Được người dân phát hiện, thông báo đến gia đình cùng đưa nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đăk Song cấp cứu, theo dõi.
Đến 2h30’ đêm 26/10, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng tiếp xúc chậm, da niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt, đau bụng nhiều vùng hạ sườn phải. Qua thăm khám và làm các thủ thuật cận lâm sàng, bệnh nhân được xác định bị dập gan, dịch trong ổ bụng lượng nhiều.
Ngay lập tức, ê kip bác sỹ trực đã quyết định chuyển mổ mở ổ bụng cấp cứu và xác định bệnh nhân bị vỡ gan thùy sau đường kính 10 x 5cm.
Quá trình mở ổ bụng bệnh nhân được truyền 1.000 ml máu, 2.000 dịch chuyền và đồng thời hút ra 2 lít máu tụ trong ổ bụng. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ, bệnh nhân được khâu vết thương gan, cầm máu và lau rửa sạch ổ bụng.
Hiện tại, 1 ngày sau mổ, bệnh nhân đã ổn định, các dấu hiệu sinh tồn về mức bình thường và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc tại Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Cũng trong đêm 25/10, vào lúc 3h sáng, BV tiếp nhận bệnh nhân Vàng Thị X., 10 tuổi trú tại xã Đăk R’măng (Đăk Glong) nhập viện trong tình trạng mệt, khó tiếp xúc, da niêm mạc nhợt nhạt, diễn tiến xấu dần với các triệu chứng đau nhiều vùng hạ sườn trái, hạn chế vận động khớp háng phải, cẳng tay trái đau không cử động được.
Nguyên nhân bị nạn là do bệnh nhân tự điều khiển xe máy đi trong đêm tối và tự té ngã. Bệnh nhân được chẩn đoán dập vỡ lách, dịch đọng trong ổ bụng, trật khớp háng bên phải kèm gãy mấu chuyển xương đùi, gãy 1/3 dưới 2 xương cẳng tay trái.
Ê kíp trực khoa Chấn thương chỉnh hình-bỏng đã nắn cố định khớp háng phải đồng thời cố định các vị trí xương bị gãy và chuyển mổ bệnh nhân.
Đáng nói, khi mổ mở, trong ổ bụng có nhiều máu, lách vỡ rời cực trên, máu chảy rỉ rả, thận trái bị dập. Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ lách để cầm máu và rửa sạch ổ bụng.
Ca phẫu thuật thành công sau 2 tiếng nỗ lực thực hiện các thủ thuật cứu chữa trong phòng mỗ của đội ngũ y, bác sỹ ca trực. Bệnh nhân sau 1 ngày phẫu thuật đã ổn định, tỉnh táo với các dấu hiệu sinh tồn bình thường trong niềm vui khôn tả của gia đình và người thân.