Tin mới nhận

Thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng đường vành đai 2,5Công tác giải phóng mặt bằng dự án vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng đường vành đai 2,5

Công tác giải phóng mặt bằng dự án vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Quận Hoàng Mai đã phê duyệt được 583 phương án, trong tổng số 588 phương án bồi thường, hỗ trợ, trong đó có 504 phương án đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. 79 phương án còn lại người dân chưa nhận tiền, trong đó phường Thịnh Liệt có 24 hộ và hai tổ chức; phường Định Công có 53 phương án. Quận Hoàng Mai đã báo cáo UBND thành phố tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 15 hộ trên địa bàn phường Định Công và 21 hộ trên địa bàn phường Thịnh Liệt. Dự kiến trong tháng 12, quận sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế, thu hồi đất đối với các trường hợp còn tồn tại trên địa bàn phường Thịnh Liệt, chậm nhất đến quý III - 2021 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thi công tuyến đường.

Phấu đấu năm 2025 tổng công suất điện mặt trời đạt 100 MWp

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 1%, trong đó tổng công suất nguồn điện năng lượng mặt trời ước đạt khoảng 100 MWp thông qua việc triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các chung cư thấp tầng, tòa nhà cao tầng của thành phố và điện rác khoảng 150 MW. Để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng; đầu tư về khoa học, công nghệ; đề xuất cơ chế đặc thù hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. UBND thành phố giao Sở Công thương là đơn vị chủ trì quản lý nhà nước về hoạt động liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố; giám sát, kiểm tra các dự án năng lượng tái tạo.

Rà soát, xử lý vướng mắc về dịch vụ thủy lợi

UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan chủ động rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thủy lợi thuộc thành phố trong thanh toán kinh phí thực hiện cung ứng dịch vụ công ích thủy lợi vụ xuân 2020; đề xuất phương án đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích thủy lợi vụ xuân 2021... Trước đó, bốn doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã có văn bản đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc, thanh toán khoảng 243 tỷ đồng kinh phí thực hiện dịch vụ công ích thủy lợi vụ xuân năm 2020 để trả lương, nộp tiền bảo hiểm cho hơn 3.400 công nhân thủy nông, trả nợ 72 tỷ đồng chi phí tiêu thụ điện năng phục vụ sản xuất, thanh toán hợp đồng dẫn nước cho các hợp tác xã và các chi phí duy trì, sửa chữa, vận hành hệ thống công trình thủy lợi...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-moi-nhan/tin-moi-nhan-625481/