Tin miền Trung: Đảm bảo nguồn cung thịt lợn

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của nhân dân là rất lớn. Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn, nhiều địa phương đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung thịt lợn đảm bảo không có biến động về giá.

Nghệ An có đàn lợn 1 triệu con, không thiếu nguồn cung cho thị trường

Hiện nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg, kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng lên đến 180.000 đồng/kg, gấp đôi so với trước đây.

Tại các chợ truyền thống, các quầy thịt vẫn bày bán như thường ngày và lượng hàng vẫn đủ đáp ứng thị trường, không có hiện tượng khan hiếm.

Lợn tại các gia trại, trang trại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ cho thị trường. Ảnh: Quang An

Lợn tại các gia trại, trang trại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ cho thị trường. Ảnh: Quang An

Các tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Vinh cho biết: "Vừa qua dịch xảy ra khắp tỉnh, lượng lợn tiêu hủy nhiều, do đó thịt lợn sạch bệnh, đảm bảo chất lượng không còn nhiều trên thị trường, việc tăng giá là điều khó tránh khỏi...".

Tuy nhiên, theo đại diện của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, không có chuyện thiếu hụt nguồn cung thịt lợn quá lớn trên thị trường. Tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Nghệ An lên đến 1 triệu con, lượng lợn tiêu hủy đến thời điểm hiện tại mới chỉ 9,3 % tổng đàn. Nên việc các tiểu thương khẳng định thịt lợn khan hiếm do tiêu hủy nhiều là không có cơ sở.

Ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: "Nguồn cung thịt lợn hiện vẫn đáp ứng đủ cho thị trường, tuy nhiên, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chưa hiểu rõ về vấn đề này cộng với tâm lý hoang mang khi thông tin về lợn tăng giá lan truyền chóng mặt trên các trang mạng. Nắm được tâm lý này, các công ty chăn nuôi, thương lái thu mua lợn "được đà" đẩy giá lên cao, khiến thị trường thịt lợn trở nên phức tạp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá thịt lợn leo thang trong thời gian qua".

Đến thời điểm hiện tại, nguồn cung thịt lợn vẫn đáp ứng đủ nhưng theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn thịt lợn trong thời điểm Tết Nguyên đán vì thời gian qua, nhiều địa phương có dịch không thể tái đàn trong khi nhu cầu vào thời điểm này rất lớn.

Vì thế, đề nghị các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh tình trạng lợi dụng đẩy giá lên cao, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán.

Số lợn thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ

Tại Hà Tĩnh, trong tình hình khó khăn, sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt. Số lợn buộc tiêu hủy trên 21.801 con, thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngành NN&PTNT Hà Tĩnh chủ trương giảm dần chăn nuôi nông hộ khi không đảm bảo các điều kiện, tập trung phát triển mạnh chăn nuôi trang trại và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững. (ảnh báo Hà Tĩnh)

Trong tình hình khó khăn, sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định. Sản lượng lương thực ổn định. Đối với dịch tả lợn châu Phi, Hà Tĩnh kiểm soát tốt. Chăn nuôi trang trại lớn vẫn giữ an toàn, đảm bảo lượng thịt hơi phân phối cho các thị trường.

So với cả nước, dịch xảy ra ở Hà Tĩnh chậm hơn 4 tháng. Số lợn buộc tiêu hủy trên 21.801 con, thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ, bằng gần 1/10 tỉnh có số lượng thiệt hại lớn nhất.

Bên cạnh những địa phương có nguồn cung thịt lợn để bảo đảm cho nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì vẫn còn có những địa phương có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung này do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi quá lớn.

Thừa Thiên - Huế: Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn dịp Tết

Dịch tả lợn châu Phi làm gần 74 ngàn con lợn trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải chôn hủy với tổng sản lượng khoảng 4.500 tấn khiến nguồn thực phẩm thịt lợn trong dịp tết có nguy cơ thiếu hụt.

Khu bán thịt lợn an toàn tại chợ Bến Ngự

Thạc sỹ Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ-Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh khẳng định, trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đàn lợn giảm mạnh thì việc thiếu nguồn sản phẩm thịt lợn khan hiếm, có nguy cơ thiếu là điều khó tránh khỏi. Ngay cả khi nhập thêm sản phẩm từ các tỉnh khác cũng không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết. Cơ quan chức năng hiện đang khảo sát, đánh giá tổng sản lượng thịt lợn trên địa bàn và nhu cầu tiêu thụ để có giải pháp nhập từ các tỉnh khác.

Điều đáng lo là phần lớn các tỉnh, thành trên cả nước đều bị dịch tả lợn châu Phi nên việc tìm hiểu, lựa chọn địa phương đảm bảo nguồn cung cũng như sản phẩm an toàn để nhập về khá phức tạp. Tiêu chí trước mắt được các cơ quan chức năng hướng đến là nhập nguồn lợn thịt từ các trang trại, gia trại an toàn tại các tỉnh, thành không có dịch. Nếu số lượng lợn tại các tỉnh này vẫn không đáp ứng nhu cầu sẽ tiếp tục mở rộng nhập thêm tại các tỉnh khác.

Vấn đề an toàn thực phẩm sẽ được ngành thú y tỉnh quan tâm, giám sát chặt chẽ. Theo ông Trần Quốc Sửu, nguồn lợn hơi cũng như sản phẩm đã giết mổ trước khi đưa vào thị trường tỉnh tiêu thụ phải có đầy đủ các thủ tục kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Lợn trước khi đưa vào các lò giết mổ được kiểm tra dịch bệnh, khỏe mạnh; sau khi giết mổ phải đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y mới xuất bán trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y thông tin, từ nay đến sau Tết, lực lượng thú y phối hợp với quản lý thị trường, công an tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ và kinh doanh sản phẩm thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Ông Hưng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn mua sản phẩm thịt lợn tại các chợ, địa điểm mua bán có uy tín, quy mô lớn. Khi phát hiện sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh, người dân cần thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng xử lý.

Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 710 thôn, 125 xã thuộc 9 huyện, thị xã, TP. Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong khi nguồn thịt lợn khan hiếm, giá cả tăng cao, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cũng cần tăng cường sử dụng thêm các loại thực phẩm thịt trâu, bò, gia cầm… nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền.

Ngọc Thủy Tổng hợp

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-mien-trung-dam-bao-nguon-cung-thit-lon-post32693.html