Tin kinh tế

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định mới về thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia, trong đó quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ với các doanh nghiệp.

Điều này có ý nghĩa quan trọng khi hiện nay, 97% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và việc theo đuổi các giá trị để đạt được "thương hiệu quốc gia" là không đơn giản. Dự kiến, cuối tháng 11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ ký thỏa thuận với Brand Finance để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Không dừng lại ở từng thương hiệu doanh nghiệp, thậm chí, thương hiệu ngành hàng như thực phẩm, dệt may, đồ gỗ…cũng sẽ được xây dựng trong giai đoạn mới.

Cuối tháng 11 này, lễ hội cam Cao Phong sẽ diễn ra nhằm quảng bá thương hiệu cam Cao Phong và đưa hình ảnh tỉnh Hòa Bình tới bạn bè trong và ngoài nước. Các giống quả có múi hiện là cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình, trong đó, cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Thông tin từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân khiến thiếu hụt thịt lợn trên thị trường là do các khu vực giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn cung thịt lợn của các trang trại lớn, của công ty lớn. Vì vậy, tạo hiệu ứng làm tăng giá thịt lợn quá cao từ đầu tháng 10 đến nay, có nơi gần chạm mốc 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua yếu tố đầu cơ, có biểu hiện găm giá, loan tin giá không đúng.

Năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, trong 10 tháng qua Hà Nội đã có 709 dự đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới, vốn giải ngân đạt tỷ lệ gần 88%, tương ứng 6 tỷ USD. Dự báo hết năm nay Hà Nội sẽ thu hút trên 8 tỷ USD, bằng 1/4 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước.

T.Uyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tin-kinh-te_t114c5n156814