Tin kinh tế 18/9: Xây đường băng sân bay gần 2000 tỷ đồng rồi… 'đắp chiếu'

Việt Nam đang dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay; Xây đường băng sân bay gần 2000 tỷ đồng rồi… 'đắp chiếu'; Ngân sách ghi nợ hàng chục nghìn tỷ đồng 'nợ ảo', không thể thu hồi và Thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục tăng là những tin kinh tế đáng chú ý ngày 18/9.

Việt Nam đang dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay

Theo Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 70 tỷ USD, sau 2 đợt mua vào ngoại tệ rất lớn là đợt 4 tháng đầu năm và đợt từ tháng 7 đến nay.

Trước đó, theo số liệu chính thức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố hồi tháng 6/2018 tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, dự trữ ngoại hối quốc gia là 63,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục tại thời điểm đó. Tính cả năm 2018, lượng ngoại tệ bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối là hơn 6 tỷ USD.

Việt Nam đang dự trữ 70 tỷ USD

Việt Nam đang dự trữ 70 tỷ USD

Đến cuối năm 2018, trong báo cáo thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu.

Trong thời gian tới, theo SSI Research, dự trữ ngoại hối quốc gia có cơ hội tăng lên khi có nhiều yếu tố thuận lợi. Đơn cử, cán cân thương mại tháng 8/2019 thặng dư 3,43 tỷ USD. Đây cũng là mức thặng dư kỷ lục tính theo tháng trong nhiều năm qua. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, tặng dư cán cân thương mại đạt 5,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, đến hết tháng 8/2019 đã có 11,96 tỷ USD vốn FDI được giải ngân; kiều hối dự báo từ nay tới cuối năm cũng sẽ rất khả quan...

Xây đường băng sân bay gần 2000 tỷ đồng rồi… “đắp chiếu”

Dự án đường băng số 2 sân bay Cam Ranh có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo điều kiện khai thác. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “đắp chiếu” bỏ đó do tỉnh Khánh Hòa chưa bàn giao, trong khi đường băng sân bay hiện hữu kém nhất cả nước.

Đường cất-hạ cánh (đường băng) số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (CHK) do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách. Dự án chia làm 2 giai đoạn, là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2016 - 2020.

Đường băng số 2 sân bay Cam Ranh đã hoàn thành và nghiệm thu xong từ tháng 5/2019 (ảnh: Dân trí)

Đường băng số 2 đã thi công xong từ cuối năm 2018, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nghiệm thu đủ đảm bảo điều kiện, an toàn khai thác từ tháng 5.

Tuy nhiên, đến nay dự án đường băng gần 2.000 tỷ đồng vẫn chưa được khai thác do tỉnh Khánh Hòa chưa bàn giao.

Ngân sách ghi nợ hàng chục nghìn tỷ đồng "nợ ảo", không thể thu hồi

Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến cuối năm 2018 là 11.896 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm hơn 50% tồng số tiền thuế nợ

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình nợ đọng thuế vẫn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.

Tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau, như có 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; có 24.113 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể; có 731.696 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động…

Trong khi đó, Luật Quản lý thuế quy định tiền phạt chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Quy định này là chế tài xử lý cần thiết, tuy nhiên với các đối tượng trên do không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian.

"Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến cuối năm 2018 là 11.896 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi", báo cáo nêu.

Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng.

Trong dự thảo trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã lập tức có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với sản phẩm này. Đồng thời, VSA kiến nghị Bộ Công Thương chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 nói chung.

VSA cho rằng, việc tăng thuế gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép trong bối cảnh các ngành sản xuất này đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, nếu thuế nhập khẩu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến chi phí giá thành sản phẩm. Từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôn mạ Việt Nam. “Nếu tăng thuế thêm 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8% - 9%, giá thành phẩm cũng tăng tương ứng”- VSA nêu quan điểm.

Theo Bộ Công Thương, năng lực sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, bộ này đề nghị không tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

Bộ Tài chính cho biết, với những góp ý của các bộ và doanh nghiệp, ban soạn thảo đã thống nhất đưa phương án tăng thuế trên ra khỏi dự thảo nghị định mới nhất chuẩn bị trình Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất chưa tăng thuế nhằm đảm bảo không xáo trộn sản xuất kinh doanh trong nước. Việc tăng thuế trong giai đoạn này sẽ tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

ADB: Thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục tăng

Kết quả báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây chỉ ra, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ khu vực Đông Á mới nổi tăng đều đặn trong quý II, trong đó có Việt Nam.

Thị trường trái phiếu tiếp tục tăng

Trong đó, riêng ở Việt Nam, ADB nhận định, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tiếp tục mở rộng trong quý II (tăng 2,6% so với quý trước sau khi đã tăng 0,7% trong quý I lên 52,9 tỷ USD). Đà tăng này theo lý giải của ADB là nhờ trái phiếu Chính phủ tăng 3,2%, đạt 48 tỷ USD, bao gồm phát hành trái phiếu kho bạc và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước dù trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm 3,4% còn 5 tỷ USD.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tính đến 24/6, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018. Sau 6 tháng đầu năm, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 89.483 tỷ đồng. Với mức tăng ấn tượng này, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn nhỏ và chưa đáp ứng được vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Việt Nam chưa phải trường hợp tăng trưởng mạnh nhất về trái phiếu trong khu vực. Trung Quốc là thị trường trái phiếu lớn nhất của Đông Á mới nổi, chiếm tới 75,3% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của khu vực này. Ở Trung Quốc, lượng trái phiếu Chính phủ bằng đồng nội tệ đã tăng 5,4% so với quý trước.

Đây là mức tăng nhanh nhất so với các loại trái phiếu khác tại Trung Quốc. Tính tới cuối tháng 6, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 84,6%, so với mức 78,8% vào cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, lưu ý, sự ổn định tài chính trong khu vực có thể bị xói mòn nếu các nhà đầu tư toàn cầu thay đổi quan điểm về những thị trường mới nổi. Các Chính phủ trong khu vực cần nỗ lực để tiếp tục làm sâu sắc thêm các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, để trái phiếu có thể đóng vai trò là nguồn vốn trong nước đáng tin cậy.

Nhìn chung, lượng trái phiếu phát hành tại khu vực Đông Á mới nổi trong quý II cao hơn 12,2% so với quý I nhờ việc phát hành mạnh trái phiếu Chính phủ và sự phục hồi của trái phiếu doanh nghiệp.

Tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 15.300 tỷ USD tính đến cuối tháng 6 (trong đó 61% là trái phiếu Chính phủ). Mức này cao hơn 3,5% so với cuối tháng 3 và nhiều hơn 14,2% so với cuối tháng 6/2018, tính theo giá trị của đồng USD.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-kinh-te-189-xay-duong-bang-san-bay-gan-2000-ty-dong-roi-dap-chieu-549779.html