Tín hiệu vui từ trái cây đầu năm

Mặt hàng rau củ quả Việt Nam đã có mặt tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu từ nhiều năm trước, nhưng việc có mặt tại các thị trường khó tính và đẩy mạnh xuất khẩu (XK) cho thấy những hướng đi mới, tích cực của ngành nông nghiệp thời gian qua.

Quả xoài XK sang thị trường Mỹ, cả DN và người dân đều vui!

Quả xoài XK sang thị trường Mỹ, cả DN và người dân đều vui!

Liên tiếp những tin vui

Cuối tháng 12/2018, Công ty (Cty) VINA T&T ký kết thu mua với HTX Trinh Phú (thị trấn An Lạc Phú, tỉnh Sóc Trăng) khoảng 200 tấn vú sữa. Vú sữa đạt chuẩn giá 30.000đ/kg, gấp đôi so với giá bán thông thường. Lô hàng này được Cty VINA T&T XK sang Mỹ với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, như các vườn cây phải được cấp mã code, phải bao trái, không dùng thuốc bảo vệ thực vật...

Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1.545ha trồng cây vú sữa, nhiều nhất tại huyện Kế Sách đã được cấp 2 mã code cho 45,5ha. Ngay trong tháng 1/2019, Cty xuất nhập khẩu Mộc Phát đề nghị cấp mã code vùng trồng vú sữa tím với 9,81ha (10 nhà vườn đăng ký tham gia) và vú sữa Lò Rèn 8,01ha (7 nhà vườn tham gia) nhằm XK vào thị trường cao cấp.

Cũng trong tháng 1/2019, khoảng 400 tấn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang) cung ứng XK sang thị trường Mỹ. Hiện giá vú sữa tại thị trường Mỹ dao động khoảng 300.000 đến 350.000 đồng/kg.

Ngày 18/2 vừa qua, người nông dân trồng trái cây tiếp tục đón một tin vui khác khi quả xoài cũng đã chinh phục thị trường Mỹ sau 10 năm đàm phán. Đây cũng là loại quả thứ 6 của Việt Nam vào thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long. Như vậy, Mỹ trở thành thị trường XK thứ 40 của quả xoài Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thị trường Mỹ, hàng năm nước này phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Từ tháng 12/2017, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã sửa đổi quy định cho phép nhập khẩu (NK) xoài từ Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia APHIS đã xác định xoài Việt Nam có thể được nhập vào Mỹ theo quy trình được phối hợp quản lý có hệ thống từ khâu trồng cho đến đóng thùng, vận chuyển... nhằm bảo đảm trái đạt chất lượng và không còn tồn dư chất bảo vệ thực vật. Ngoài ra, xoài phải được XK sang Mỹ trên các chuyến hàng thương mại và có giấy tờ chứng nhận đầy đủ, gồm giấy đảm bảo xoài không có các vết đen làm hư quả.

Cả người dân và doanh nghiệp đều phấn khởi

Chứng kiến lễ ký kết cho phép quả xoài XK sang thị trường Mỹ, bà Đinh Kim Nhung (Phó Giám đốc Cty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp) cho biết: "Đây là tin rất vui với người nông dân trồng trái cây và các DN XK hoa quả, không chỉ tại tỉnh Đồng Tháp mà cả nước, nhất là các địa phương có diện tích trồng xoài lớn. Chúng tôi vui mừng trước hết đó là thành quả của 10 năm bền bỉ đàm phán của các cơ quan chức năng, sau là đầu ra cho quả xoài đã có thêm một thị trường mới và rất lớn".

Mặc dù vậy, bà Nhung vẫn cho rằng, các thị trường càng khó tính thì tiêu chuẩn cho hoa quả Việt Nam càng chặt chẽ, cũng vì thế mà sự chuẩn bị từ khâu chăm sóc, vun trồng đến thu hoạch đều phải tuân theo quy tắc. "Có như vậy bạn hàng mới tin tưởng, thị trường được chinh phục thì cả người nông dân và DN chúng tôi đều có lợi", bà Nhung nói.

Theo yêu cầu từ phía Mỹ, xoài muốn được XK sang thị trường này phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập...

Không chỉ DN của bà Nhung, các DN XK hoa quả đều nhận thấy Mỹ là thị trường có sức tiêu thụ lớn với xoài. Sản xuất tại chỗ của Mỹ chỉ đạt 3.000 tấn/năm, bằng 1/100 số lượng họ phải NK mỗi năm và đó là dư địa để xoài Việt có cơ hội gia tăng tiêu thụ.

Theo đánh giá của Hiệp hội rau củ quả Việt Nam, các DN XK có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi NK của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng xoài nội địa của Mỹ.

Theo thống kê, diện tích trồng xoài của cả nước khoảng 87.000 ha, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng sản lượng XK thì còn khiêm tốn và nằm ngoài Top 10 nước XK xoài.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu được quy hoạch vùng sản xuất và chế biến đạt các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính, trái xoài Việt Nam với giá trị sản xuất đạt 490 triệu USD có thể trở thành mặt hàng XK mang lại ngoại tệ lớn như thanh long, nhãn, chôm chôm…

Năm 2012, XK rau quả, trái cây của nước ta mới đạt khoảng 800 triệu USD, đến năm 2018, con số này lên tới 3,52 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2017. Điều này đã giúp ngành rau quả Việt Nam vượt qua nhiều mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh như chè, hạt tiêu, gạo và trở thành một trong những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam.

Mục tiêu XK rau quả đạt 10 tỷ USD trong tương lai gần

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, với đà tăng trưởng hiện nay, cộng với những gì đang có, khả năng để ngành rau quả và trái cây Việt Nam hướng tới kim ngạch XK 10 tỷ USD là điều hoàn toàn khả thi.

Hiện tổng giá trị giao dịch về mặt hàng rau quả và trái cây toàn cầu khoảng 240 tỷ USD, nước trái cây 270 tỷ USD. Như vậy, giá trị XK rau quả và trái cây Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 1,5% thị trường thế giới, cho thấy tiềm năng, dư địa cho mặt hàng này của Việt Nam phát triển còn rất lớn.

Ngọc Trìu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/tin-hieu-vui-tu-trai-cay-dau-nam-440993.html