Tín hiệu vui cho công nghiệp hỗ trợ

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo Sở Công Thương và Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương. Đây sẽ là bước tiến dài trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thêm trợ lực

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tổng giá trị sản xuất của lĩnh vực này chiếm khoảng 4,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, hàng năm đóng góp vào ngân sách khoảng 35 tỷ đồng; số lao động chiếm khoảng 9,5% tổng số lao động của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, rất hạn chế về nguồn vốn, thiếu khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, trình độ quản lý doanh nghiệp còn yếu, tính liên kết ngành chưa cao. Nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ và lao động có trình độ cao còn hạn chế, lao động phổ thông đang chuyển dịch sang các ngành dịch vụ, du lịch và xây dựng.

 Dệt may đang là lĩnh vực có nhiều lợi thế của tỉnh.

Dệt may đang là lĩnh vực có nhiều lợi thế của tỉnh.

Trước thực trạng này, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NĐ-CP (tháng 8-2020) về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với lợi thế phát triển của tỉnh. Qua rà soát, Sở Công Thương nhận thấy về cơ bản UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025. Đồng thời, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, thẩm định, phê duyệt và quản lý, sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 115 hiện nay, xây dựng Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương là nội dung chưa được triển khai trong Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025. Chính vì vậy, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định về việc triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc

Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, rất hạn chế về nguồn vốn, thiếu khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ, quản lý yếu, thiếu tính liên kết. Để góp phần giải quyết những hạn chế nêu trên, Sở Công thương nhận thấy cần có một đơn vị đảm trách việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ; hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi một cách nhanh chóng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm sẽ làm phát sinh cơ sở vật chất mới, tăng thêm đội ngũ nhân viên, do đó không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước đang được triển khai. Ngoài ra, hiện nay, mô hình này vẫn chưa được Bộ Công Thương triển khai xây dựng, vì vậy việc học tập và ứng dụng mô hình hoạt động, cơ chế quản lý... sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành và quản lý trung tâm.

Theo ông Ngoạn, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương, có chức năng phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công thương. Trong đó, trung tâm có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện công tác khuyến công; xúc tiến thương mại; quản lý các cụm công nghiệp và các hoạt động tư vấn công nghiệp và thương mại. Sở Công Thương nhận thấy việc tích hợp chức năng tư vấn, triển khai các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ vào Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; không làm phát sinh cơ sở vật chất mới, đảm bảo thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước. “Vì vậy, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại theo hướng bổ sung thêm chức năng tư vấn, triển khai các Đề án thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh”, ông Ngoạn cho hay.

Được biết, Sở Nội vụ đã xem xét việc xây dựng Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên cơ sở nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất hoặc bổ sung lại chức năng nhiệm vụ, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Sở sẽ tổ chức nghiên cứu, thẩm định Đề án thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương sau khi Sở Công Thương tiến hành xây dựng và trình đề án thành lập.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 115 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với lợi thế phát triển của tỉnh. Đồng thời, xem xét về sự cần thiết thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên địa bàn tỉnh, đề xuất ý kiến tham mưu, báo cáo UBND tỉnh. Giao Sở Công Thương phối hợp với Sở Nội vụ thống nhất về đề án hoạt động của trung tâm; tham mưu đề xuất và dự thảo quyết định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt theo quy định trước ngày 31-10.

Đình Lâm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202010/tin-hieu-vui-cho-cong-nghiep-ho-tro-8189835/