Tín hiệu từ giá 'vàng đen'

Hôm qua, giá dầu thế giới đã tăng sau vụ hai tàu chở dầu bị tiến công tại vịnh Oman. Tuy nhiên, giá dầu thế giới đã có nhiều phiên 'xuống dốc' trong những ngày gần đây. Việc giá 'vàng đen' giảm là một tín hiệu cho thấy 'sức khỏe' nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm sút, kéo theo triển vọng về nhu cầu dầu giảm đáng kể.

Trong các phiên giao dịch gần đây, giá “vàng đen” trên thị trường thế giới đã giảm tương đối mạnh. Hôm 12-6, giá dầu đã xuống mức thấp nhất trong gần năm tháng qua. Tại sàn giao dịch Niu Oóc, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 giảm 4%, xuống mức 51,14 USD/thùng; tại London, giá dầu Brent giao tháng 8 cũng giảm 3,7%, xuống mức 59,97 USD/thùng.

Các nhà phân tích lý giải rằng, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên, các nước xuất khẩu chủ chốt vẫn chưa nhất trí về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ, nhu cầu dầu có triển vọng giảm, là những nguyên nhân chủ yếu khiến “vàng đen” giảm giá trong các phiên giao dịch gần đây. Ngày 12-6, cùng ngày giá dầu giảm mạnh, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ra thông báo cho biết, lượng dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 7-6, đã tăng 2,2 triệu thùng so với tuần trước đó. Theo thống kê, lượng dầu dự trữ của Mỹ là 485,5 triệu thùng, vượt khoảng 8% so với mức trung bình 5 năm, vào cùng thời điểm này. Con số thống kê nêu trên dẫn tới lo ngại rằng việc nguồn cung dầu gia tăng tạo sức ép làm giảm giá dầu. Ngoài ra, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh trong năm 2018 và dự báo tiếp tục tăng trong năm nay, cũng góp phần khiến cung vượt cầu, làm giá dầu giảm. Cũng theo báo cáo của EIA, sản lượng dầu từ bảy khu vực đá phiến chủ chốt của Mỹ đã vượt mức 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2018 lên mức cao kỷ lục 12 triệu thùng/ngày. Theo đó, Mỹ đã vượt qua Nga và A-rập Xê-út trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Một yếu tố quan trọng nữa tạo sức ép khiến giá dầu giảm gần đây là do các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt trên thế giới hiện chưa nhất trí được phương án cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu tăng. Các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất khác ngoài tổ chức này như Nga, đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm nay để đẩy giá dầu lên. Mới đây, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs nhận định rằng trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô không chắc chắn và sản xuất dầu của Iran cùng với các nước khác không ổn định, OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nêu trên. Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất S.Mazrouei cho biết, các nước thành viên OPEC đang tiến tới việc nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út K.Falih tiết lộ, Nga là nước xuất khẩu dầu duy nhất vẫn chưa quyết định về việc này. Trong bối cảnh nêu trên, thị trường đang có tâm lý chờ đợi xem tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 này, OPEC và các đối tác có quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hay không.

Nguyên nhân thứ ba khiến giá dầu giảm là do triển vọng về nhu cầu dầu giảm. EIA vừa hạ dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu. Theo đó, so với dự báo tháng 5, cơ quan này trong tháng 6 đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu giảm 160.000 thùng/ngày xuống 1,22 triệu thùng/ngày. Mỹ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới. Một số chuyên gia nhận định rằng, với cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hạ nhiệt như hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm. Theo Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này đã giảm xuống khoảng 40,23 triệu tấn trong tháng 5, so với mức 43,73 triệu tấn trong tháng 4.

Việc giá dầu giảm bởi nguyên nhân thứ ba nêu trên đang phát đi tín hiệu đáng lo ngại với triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Barclays của Anh vừa điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây nhận định, cuộc chiến thương mại làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020.

Trước bối cảnh đó, giới phân tích gia tăng các đánh giá bi quan về triển vọng giá dầu thế giới. Bộ trưởng Năng lượng Nga A.Novak nhận định rằng, ông không loại trừ khả năng giá dầu có thể giảm xuống dưới 40, thậm chí 30 USD/thùng, nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng không được gia hạn. Người đứng đầu ngành năng lượng Nga cho rằng, OPEC và các nước xuất khẩu dầu nằm ngoài OPEC cần tìm đối sách phù hợp khi chuẩn bị nhóm họp tại Viên (Áo) trong ít ngày tới.

Theo các nhà phân tích, việc giảm sản lượng mới chỉ giải quyết được một phần của “bài toán giá dầu” thế giới. Vì vậy, để giá dầu không giảm sâu và duy trì ổn định trong dài hạn, việc cần làm hiện nay là các chính phủ chung tay để “hạ nhiệt” chiến tranh thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thực hiện các giải pháp hợp lý kích thích tăng trưởng kinh tế, đẩy nhu cầu dầu tăng theo.

BÌNH YÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40533502-tin-hieu-tu-gia-%E2%80%9Cvang-den%E2%80%9D.html