Tín hiệu tốt - Vốn FDI tiếp tục đổ vào bất động sản

Năm 2018 tiếp tục ghi nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) luôn đứng ở 'top' đầu, chỉ sau lĩnh vực chế biến chế tạo.

Ảnh minh họa.

Luôn trong “top” dẫn đầu

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu như cả quý I/2018 lĩnh vực BĐS đứng thứ 3 về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 486 triệu USD, chỉ chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, thì bước sang quý II đã vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư tăng vọt ở mức 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký. Tính đến tháng 8/2018, thu hút FDI của lĩnh vực BĐS đạt gần 6 tỷ USD, tiếp tục đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, vốn FFD đổ vào BĐS đứng ở top đầu bởi đây là lĩnh vực rất giàu tiềm năng, đặc biệt là với BĐS du lịch. Hiện nay có những địa phương tăng trưởng ngành du lịch lên tới 25% thậm chí 35%, nhu cầu lưu trú rất lớn, đòi hỏi BĐS nghỉ dưỡng phải được đầu tư mới có thể đáp ứng được nhu cầu. Đây là mảnh đất màu mỡ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Nhiều DN đã đầu tư dự án lớn với tầm nhìn, chiến lược dài hơi, thậm chí có những DN hiện đang gom đất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha để chuẩn bị cho các dự án. Bên cạnh các địa phương có thế mạnh về du lịch thì các vùng trọng điểm kinh tế như Hà Nội và TP.HCM cũng là khu vực nhiều tiềm năng nên các nhà đầu tư nước ngoài tập trung nhiều vốn, nguồn lực vào BĐS tại các khu vực này.

Góp phần lớn cho kết quả thu hút FDI vào BĐS 2018 chính là dự án “khủng” của nhà đầu tư Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư vào Hà Nội. Đây là dự án siêu đô thị thông minh sẽ được xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến 4,138 tỷ USD trên diện tích 272 ha, với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… Cũng trong thời gian này, Hà Nội thu hút được dự án Lotte Mall Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày.

Riêng TP.HCM, theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), những năm gần đây thị trường BĐS giữ vị trí thứ nhất trong thu hút FDI như các năm 2015, năm 2017 và nửa đầu năm 2018. Theo đó, năm 2015 đạt 1,497 tỷ USD (chiếm 53,3%), năm 2016 có sự sụt giảm, chỉ đạt 1 tỷ USD, năm 2017 đạt 1,01 tỷ USD. Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD, chiếm 32,4% tổng nguồn vốn FDI. Các nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hoa Kỳ và gần đây là Trung Quốc. Tính chung trên cả nước, đến nay đã có gần 57 tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường BĐS Việt Nam.

Sẽ tiếp tục tăng trưởng

Việc thị trường BĐS thường giữ vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI, theo các chuyên gia, là một tín hiệu tốt bởi sẽ bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho DN trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng BĐS. Trong lĩnh vực này, bên cạnh các dự án 100% vốn nước ngoài thì xu hướng góp vốn, mua cổ phần lại đang là xu thế chủ đạo. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Tại TP.HCM đã có nhiều liên doanh được hình thành để phát triển các dự án BĐS, điển hình như Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore); Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Nhật Bản); Công ty An Gia hợp tác với Creed Group (Nhật Bản); Công ty Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi Corporation (Nhật Bản), và Quỹ Genesis Global Capital (Singapore)… Ngay cả dự án siêu đô thị thông minh tại Hà Nội thì chủ đầu tư là Sumitomo Corporation (Nhật Bản) cũng hợp tác với nhiều DN nội để triển khai dự án này.

Lý giải cho sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS trong quá trình hội nhập, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, “do có những thay đổi về chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS, nhà ở, theo đó đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh BĐS tương tự nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là chính sách cho cá nhân nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, được mua và sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh”. Đặc biệt, Việt Nam ổn định về chính trị, kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, nhiều DN Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm 50% dân số trong 10 năm tới. Tuy nhiên, đại diện HoREA cũng khuyến nghị, “do độ mở cao của nền kinh tế nước ta, trước tác động của những biến động kinh tế toàn cầu, nhất là của một số nước lớn, sắp tới Việt Nam cần phải có chính sách thích hợp để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, và tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI phục vụ sự phát triển của kinh tế đất nước và thị trường BĐS”.

Về triển vọng của dòng vốn FDI đầu tư vào BĐS trong năm 2018, đại diện Công ty JLL cho rằng, năm 2018 đánh dấu chặng đường 10 năm kể từ khi suy thoái của thị trường BĐS và gần 5 năm thị trường trên đà hồi phục. Với các chính sách tiền tệ dự kiến sẽ duy trì trung lập để hỗ trợ tăng trưởng, khi những dòng vốn FDI hàng trăm triệu đô la Mỹ sẵn sàng đổ vào thị trường BĐS Việt Nam, dự kiến thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) và đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới. Theo đó, BĐS công nghiệp và hậu cần tiếp tục là phân khúc có sức hút mạnh mẽ. Việc thiếu hụt các khu nhà máy kỹ thuật cao, không gian kho vận hậu cần hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ khách thuê nước ngoài thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của ngành công nghiệp này. Chính vì vậy, ngành công nghiệp và kho vận tại Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài trong năm 2018.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA:

Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn có tác động đến nền kinh tế và thị trường BĐS nước ta. Bên cạnh hiện tượng một số dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán thì lại có một số dòng vốn FDI khác đầu tư vào thị trường công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, BĐS. Vấn đề đặt ra đối với thị trường BĐS là tận dụng lợi thế của đất nước để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam và thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI để bổ sung, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chúng tôi cũng khuyến nghị các DN lựa chọn đối tác là các DN, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của DN”.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tin-hieu-tot-von-fdi-tiep-tuc-do-vao-bat-dong-san.aspx