Tín hiệu tích cực

Sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao G20 ở Nhật Bản vừa qua và nhất trí nối lại đàm phán thương mại, Cố vấn kinh tế Nhà trắng vừa cho biết: 'Những cuộc đàm phán đó chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới'. Ðiều này thắp lên hy vọng về một thỏa thuận cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Bình luận quốc tế

Báo chí Mỹ dẫn lời một quan chức thuộc Văn phòng Ðại diện thương mại Mỹ cho biết, hai bên đang trong quá trình sắp xếp một cuộc điện đàm vào tuần tới, với thành phần phía Mỹ là Ðại diện Thương mại Mỹ R.Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin và phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Trước khi có động thái nêu trên, quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đã vô cùng căng thẳng. Hai bên không ngừng chỉ trích lẫn nhau từ khi đàm phán thương mại đổ vỡ hồi đầu tháng 5 vừa qua. Phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc "bội ước" và đã thay đổi một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được xây dựng sau 10 vòng đàm phán. Trong khi đó, Trung Quốc tố cáo các hành động của Mỹ là "bắt nạt" và Washington phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đàm phán thương mại song phương thất bại.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc chỉ hạ nhiệt sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 vừa diễn ra tại Osaka, Nhật Bản. Theo đó, hai bên đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại và ông chủ Nhà trắng để ngỏ khả năng ngừng áp thuế mới đối với hàng hóa của Trung Quốc và tạm thời nới lỏng hạn chế đối với tập đoàn viễn thông Huawei.

Ngay sau cuộc gặp bên lề G20 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc, đại diện hai nước cũng đã có cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề thương mại và giới chức hai bên đều bày tỏ lạc quan về tiến trình đàm phán. Cố vấn thương mại của Nhà trắng P.Navarro khi trả lời phỏng vấn kênh CNBC hôm 2-7 vừa qua đã khẳng định rằng các cuộc đàm phán thương mại "đang đi đúng hướng". Theo ông Navarro, Tổng thống Mỹ D.Trump thừa nhận vòng đối thoại lần này sẽ phức tạp. Cố vấn thương mại của Nhà trắng P.Navarro nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cần có thời gian và hai bên sẽ đưa tiến trình này theo đúng hướng.

Về phía Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Dịch Cương cũng vừa khẳng định các cuộc thảo luận về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bên lề Hội nghị cấp cao G20 đã diễn ra tốt hơn dự kiến, đồng thời mang lại một lộ trình tích cực giúp mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Người đứng đầu PBOC cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ đóng vai trò chủ động trong việc giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ.

Như vậy, sau một thời kỳ leo thang căng thẳng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tạm thời hạ nhiệt và việc hai bên dự định nối lại đàm phán vào tuần tới đang thắp lên hy vọng về một giải pháp chấm dứt, hoặc ngăn chặn cuộc chiến thương mại này không lan rộng và "cản bước" tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dù Mỹ - Trung Quốc đã tạm "đình chiến" và chuẩn bị tái đàm phán thương mại, giới phân tích không quá lạc quan vào tiến trình đàm phán thời gian tới, trong bối cảnh phía trước còn quá nhiều khó khăn và những bất đồng không dễ thu hẹp.

Những tuyên bố, động thái của Bắc Kinh và Washington trước vòng đàm phán mới cho thấy họ không dễ đạt được thỏa thuận khi tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn của mỗi bên. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 4-7, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong chỉ trích việc Mỹ đơn phương tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ là điểm khởi đầu cho mâu thuẫn kinh tế và thương mại song phương. Ông Cao Phong nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh là "để hai bên có thể đạt được thỏa thuận, các biện pháp thuế phải được dỡ bỏ hoàn toàn".

Trong khi đó, phía Mỹ chắc chắn không đáp ứng yêu cầu dỡ bỏ thuế quan nêu trên. Hôm 7-3, trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, Tổng thống Trăm đã cáo buộc rằng Trung Quốc và châu Âu "đang thao túng tiền tệ" và bơm tiền vào hệ thống tài chính của mình nhằm cạnh tranh với Mỹ. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, số liệu thống kê thương mại của Mỹ trong tháng 5 vừa qua cũng "không thuận" cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 3-7, thâm hụt của nước này đã tăng 8,4% trong tháng 5, lên 55,5 tỷ USD sau khi đã được điều chỉnh yếu tố thời vụ.

Dù đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đang được nối lại, nhưng với những gì đang diễn ra thì rõ ràng hiện nay chưa phải là thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho vòng đàm phán mới này. Ðánh giá về việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận đình chiến thương mại vừa qua và tín hiệu tích cực mới từ đàm phán song phương Mỹ - Trung Quốc, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Y-un Mi-un Sích vừa nhận định, trong ngắn hạn thì đây là chuyển biến tích cực nhưng về lâu dài vẫn còn rất nhiều bất ổn. Dẫu vậy, đây vẫn là tín hiệu tích cực, mang lại hy vọng mới về một thỏa thuận thương mại song phương không chỉ có lợi cho Mỹ, Trung Quốc, mà còn cho kinh tế toàn cầu.

Khôi Nguyên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40783902-tin-hieu-tich-cuc.html