Tín hiệu tích cực

Thông tin Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng tập thể Ban cán sự Bộ Công Thương họp bàn thống nhất phương án kiện toàn và tái cấu trúc nhân sự đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Bởi với quy mô một “siêu Bộ” quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ Công Thương lại tiên phong giảm đầu mối các vụ, cục (từ 35 xuống 28 đầu mối) cho thấy những động thái tích cực để góp phần xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ, kiến tạo, liêm chính.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp tục quyết liệt cải cách thể chế và tái cơ cấu bộ máy. Ảnh: VGP

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2016 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ từng nhận định, công tác cán bộ tại cơ quan này còn nhiều bất cập. Cùng với tái cơ cấu toàn ngành, ngay trong bộ máy của Bộ cũng cần tái cơ cấu triệt để, công khai. Người nào việc nấy mới có hiệu quả, xác thực. Và mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với lãnh đạo Bộ một lần nữa nhắc lại yêu cầu này. Điều đó cho thấy, việc “tái cấu trúc nhân sự” thực sự là một yêu cầu cấp thiết để khắc phục những yếu kém, bất cập trong bộ máy. Và những động thái của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được đánh giá rất cầu thị.

Không chỉ tại Bộ Công Thương, tái cơ cấu trong nội bộ, sắp xếp, tổ chức lại đi liền với tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối cũng đang là vấn đề “nóng” hiện nay. Từ nghị trường Quốc hội, đến thực tế cuộc sống, những câu chuyện về bổ nhiệm người nhà, đúng quy trình nhưng vẫn sai phạm, đến hiện trạng một sở có 44/46 công chức làm lãnh đạo... đã cho thấy những “góc khuất” rất cần làm sáng rõ. “Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, chồng chéo; càng thực hiện tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình to hơn, biên chế càng tăng”, cũng là một trong 3 vấn đề người dân bức xúc được Ban Tổ chức T.Ư đúc kết lại sau khi khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên nhân cũng bởi việc nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả “này khác”, khiến không ít người từng hoài nghi rằng liệu thực tế có giảm được tình trạng lạm phát cấp phó, giảm được số công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”…

Thực sự, tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là việc làm rất khó, vì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của từng con người. Để triển khai thành công, đòi hỏi không chỉ có quyết tâm chính trị cao độ, sự nhất trí, đồng thuận mà cần phải có quyết sách đúng đắn, thông tin minh bạch, rõ ràng. Như tại Hà Nội, những con số được đưa ra qua rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy và biên chế cơ quan hành chính có thể khẳng định Hà Nội đã đạt được thành công bước đầu về tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Đến nay, toàn TP đã giảm được 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 35 cấp trưởng và 136 cấp phó phòng, ban.

Những gì Hà Nội đã làm được, những gì Bộ Công Thương đang chuẩn bị triển khai cho thấy, việc tinh gọn bộ máy dù khó, nhưng không phải không làm được nếu có quyết tâm và giải pháp phù hợp. Qua đó mới có thể khắc phục được bất cập trong tuyển dụng, quản lý cán bộ là “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống”. Mới thực hiện được đúng quan điểm “không có vùng cấm đối với bất cứ ai, thậm chí cả lãnh đạo nếu người đó không làm tròn trách nhiệm”.

Trở lại câu chuyện tái cấu trúc bộ máy nhân sự tại Bộ Công Thương, dù không phải là việc của một sớm một chiều, nhưng việc cải cách nhân sự đúng quy định nhằm đảm bảo bộ máy được vận hành hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội là một việc làm được chờ đợi. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ cũng khẳng định, ngoài cải cách bộ máy nhân sự, Bộ sẽ tiếp tục rà soát một loạt văn bản pháp luật, quy chế quản lý bị đánh giá là chưa thực sự thông thoáng, gây khó khăn cho DN, người dân để tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại. Tiếp đến là đổi mới trong lựa chọn người theo hướng công khai minh bạch, tìm ra người tài đức, người dám làm dám chịu trách nhiệm… cho thấy lãnh đạo Bộ đã thể hiện quyết tâm nói đi đôi với làm, "dùng người tài, không dùng người nhà". Mong rằng, tín hiệu tích cực từ Bộ Công Thương sẽ lan tỏa đến các bộ, ngành khác để chủ trương tinh giản bộ máy đi vào thực chất, hiệu quả góp phần làm minh bạch công tác quản lý Nhà nước tại các bộ, ngành thúc đẩy cơ hội đầu tư xây dựng quốc gia khởi nghiệp, sáng tạo.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tin-hieu-tich-cuc-273717.html