Tín hiệu tích cực và những băn khoăn về lao động xuất khẩu

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2018 cả nước có 142.860 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 0,6% so với năm 2017. Nhật Bản đã trở thành nước tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, với gần 69.000 người. Trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2018 cả nước có 142.860 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 0,6% so với năm 2017. Nhật Bản đã trở thành nước tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất, với gần 69.000 người. Trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao.

Thị trường xuất khẩu lao động năm 2019 sẽ khởi sắc hơn nhờ thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tương lai là cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); nhất là nhờ xu hướng nới lỏng kiểm soát hạn lượng và điều chỉnh cơ cấu nhu cầu lao động của các thị trường lớn, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc); đồng thời, khai thông thêm những thị trường mới. Nhật Bản đang triển khai chương trình tiếp nhận tổng cộng 10.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam giai đoạn 2017- 2020 với sự hỗ trợ tài chính cho hoạt động đào tạo ngôn ngữ.

Theo Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi của Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 4-2019, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài làm việc trong 14 ngành nghề. Về cơ bản, nguồn nhân lực của Việt Nam đều có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận của phía Nhật Bản theo chính sách mới. Còn 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan có thể gia hạn hợp đồng tại chỗ với thời gian kéo dài 12 - 14 năm theo Luật Dịch vụ việc làm (sửa đổi) của Đài Loan. Ngoài ra, bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào tháng 11-2018 giữa Bộ LĐ-TB&XH với các cơ quan quản lý của Bun-ga-ri và Ru-ma-ni cũng mở ra cơ hội xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cho lao động Việt Nam ở châu Âu, với mức lương và thu nhập của người lao động được bảo đảm, chi phí trước khi đi thấp, ở các lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng…

Sự phát triển thị trường lao động nước ngoài có tổ chức theo hướng coi trọng chất lượng, hiệu quả và đào tạo lao động có tay nghề cao hơn, cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn cũng chính là điều kiện quan trọng nhất để thu hẹp, xóa bỏ các hoạt động lén lút đưa người lao động qua biên giới; lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp sau khi kết thúc hợp đồng; tình trạng vi phạm, lợi dụng, lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hoặc du khách bỏ trốn trong các tua du lịch quốc tế, gây tổn hại không đáng có cho cả người dân và hình ảnh đất nước.

Bởi vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tiếp tục tích cực đàm phán, ký các văn bản hợp tác quốc tế cần thiết để mở rộng các kênh xuất khẩu lao động chính ngạch, đa dạng về cơ cấu và đối tượng tuyển dụng; tăng cường đào tạo bài bản trong hệ thống trường dạy nghề và đại học của Việt Nam, nâng dần tỷ lệ lao động có tay nghề cao và được đào tạo nghề, có chứng chỉ bằng cấp, được tôn trọng và hưởng đãi ngộ cao.

Đồng thời, các cấp chính quyền và các hiệp hội, tổ chức đoàn thể ở các địa phương cần tích cực liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, giảm các thủ tục xuất - nhập cảnh, hỗ trợ pháp lý và thông tin cho người lao động Việt Nam để bảo đảm an toàn và tuyển chọn đúng người lao động tham gia các thị trường thu nhập cao; đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; xử phạt vi phạm hành chính về lao động, thu hồi giấy phép của doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trái phép; xử lý hình sự các hoạt động lừa đảo và vô trách nhiệm trong đưa đón và bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc biệt, người lao động cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn ngành, nghề phù hợp, đăng ký nhu cầu với đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động có uy tín; cảnh giác trước mọi thủ đoạn và các lời hứa hẹn có tính phóng đại, lừa dối để không tự ý bỏ trốn theo các kênh tìm việc làm bất hợp pháp, gây thiệt hại cho chính bản thân mình và cộng đồng.

Xuất khẩu lao động trước mắt vẫn cần thiết để “ích nước, lợi nhà”, song cũng không còn dôi dư nhiều lao động để xuất khẩu. Bởi vậy, hoạt động xuất khẩu lao động thời gian tới cần không ngừng hướng tới chất lượng và hiệu quả.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/38893402-tin-hieu-tich-cuc-va-nhung-ban-khoan-ve-lao-dong-xuat-khau.html