Tín hiệu tích cực từ tín dụng tăng trưởng thấp

Tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm song vẫn tạo động lực cho phát triển kinh tế do chủ yếu hướng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58%, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy tính đến ngày 20/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,74%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,52%).

Tốc độ chậm lại

Dù số liệu thống kê giữa NHNN và Tổng cục Thống kê có sự chênh lệch nhẹ, song nhìn chung tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây (cùng kỳ năm 2017 tăng trưởng 12,16%).

So với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%, tăng trưởng từ đầu năm vẫn còn cách xa. Đáng chú ý là tín dụng đang có xu hướng tăng chậm dần trong thời gian gần đây.

Những số liệu trên dường như đi ngược với tốc độ tăng trưởng tín dụng của không ít ngân hàng thương mại. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019, nhiều nhà băng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, thậm chí có ngân hàng đã hoàn thành trên 80% kế hoạch tín dụng cả năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích mặc dù mức tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng cao trong nửa đầu năm, song chủ yếu ở các đơn vị có quy mô nhỏ, có room tín dụng thấp, còn các ngân hàng lớn có mức tăng trưởng khá thấp.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, chuyên viên phân tích ngân hàng của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhìn nhận tăng trưởng tín dụng đang trở nên vô cùng khó khăn ở một số ngân hàng quốc doanh lớn vì vướng mắc trong việc tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Do đó, nếu không tăng được vốn, thậm chí các ngân hàng này còn phải thu hẹp quy mô tín dụng.

Một chuyên gia khác đánh giá: “Các ngân hàng quốc doanh có quy mô tín dụng xấp xỉ cả triệu tỷ đồng, nên cho dù các nhà băng nhỏ có tăng trưởng tín dụng đến cả chục phần trăm cũng không đủ để bù đắp cho sự chậm lại trong tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này”.

Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ tăng có 2,38% trong 6 tháng đầu năm. Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho biết: “Việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank là điều đặc biệt cấp bách”. Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định theo mức tăng trưởng NHNN vừa công bố, ngành ngân hàng đã giải ngân thêm hơn 623.000 tỷ đồng ra nền kinh tế từ đầu năm, tương đương hơn 2.300 tỷ đồng mỗi ngày. Ước tính, tổng tín dụng trong nền kinh tế hiện nay vào khoảng hơn 7,834 triệu tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm có thể sẽ chỉ đạt 12 – 13%

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm có thể sẽ chỉ đạt 12 – 13%

Dù mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước, song cơ quan điều hành cũng cho biết đã tập trung tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Khó đạt mục tiêu

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Tp.HCM, cũng thừa nhận tín dụng năm nay tăng thấp hơn những năm trước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM trong 9 tháng năm nay ước tăng 9,2% so với cuối năm 2018 và tăng 11,54% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, dư nợ tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 70% tổng dư nợ; tín dụng trung dài hạn chiếm 51,6% tổng dư nợ… Dù vậy, tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động vốn, các ngân hàng trong 9 tháng huy động tăng 9% so với cuối năm 2018 và tăng 10,84% so với cùng kỳ. Vốn huy động bằng tiền đồng chiếm 87,9% tổng vốn huy động và tăng 8,73% so với cuối năm 2018.

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định tăng trưởng tín dụng trong năm nay khó đạt mục tiêu 14% nếu NHNN không nới room tín dụng cho một số ngân hàng đã có đề xuất.

Về triển vọng nửa cuối năm 2019, Chứng khoán BIDV cũng đánh giá tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ chỉ đạt 12 – 13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (bất động sản, thép…), nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.

Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM phân tích: Với kịch bản tăng trưởng GDP thực 6,6 – 6,8% và lạm phát bình quân 3,5 – 4%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018, cùng với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, nếu không có sự thay đổi đáng kể thì mức tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 12 – 13%.

Theo Hoàng Hà/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tin-hieu-tich-cuc-tu-tin-dung-tang-truong-thap/20191008030440084