Tín hiệu tích cực cho START-3

Mỹ và Nga đã đạt được tiến bộ quan trọng trong cuộc tham vấn song phương về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí hạt nhân tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), hay còn gọi là New START, sắp hết hạn.

Theo TASS, ngày 6-10, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea thông báo đã đạt được tiến bộ quan trọng tại cuộc tham vấn với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. Trên trang Twitter cá nhân, ông Billingslea viết: “Xin cảm ơn Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và những người dân tuyệt vời của Phần Lan vì lòng hiếu khách và tổ chức cuộc tham vấn Mỹ-Nga. Đã có tiến triển quan trọng”.

Tuyên bố trên được ông Billingslea đưa ra sau khi kết thúc cuộc tham vấn với Nga về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Helsinki vào ngày 5-10. Tuy nhiên, ông chưa thông tin chi tiết về “tiến bộ quan trọng” mà hai bên đạt được. Dù vậy, đây vẫn được coi là tín hiệu tích cực khi thời gian hiệu lực của START-3 không còn dài. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tại cuộc tham vấn ở Helsinki, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov và ông Billingslea đã thảo luận về các triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Đây là cuộc gặp thứ 3 giữa hai đại diện phái đoàn Mỹ, Nga kể từ tháng 6 năm nay. Cuộc tham vấn đầu tiên diễn ra vào ngày 22-6 tại thủ đô Vienna (Áo). Tiếp sau đó, cũng tại địa điểm này, hai bên đã tham gia cuộc tham vấn thứ 2 từ ngày 17 đến 18-8. Tại các cuộc tham vấn, hai bên chủ yếu tập trung vào vấn đề gia hạn START-3 vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.

 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (bên trái) và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea tại cuộc tham vấn đầu tiên ở thủ đô Vienna, Áo hồi tháng 6-2020. Ảnh: rbc.ru

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (bên trái) và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea tại cuộc tham vấn đầu tiên ở thủ đô Vienna, Áo hồi tháng 6-2020. Ảnh: rbc.ru

Nhìn lại lịch sử, ngày 8-4-2010, Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga lúc bấy giờ là ông Barack Obama và ông Dmitry Medvedev đã ký START-3 tại thủ đô Prague (Cộng hòa Czech). START-3 là hiệp ước song phương kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô lớn giữa Mỹ và Nga nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này có thể triển khai. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm, kể từ ngày 5-2-2011 và có khả năng được gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên tham gia hiệp ước nhất trí. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng tên lửa đã triển khai và chưa triển khai. Ngoài ra, hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.

Trong khi Nga ủng hộ việc duy trì hiệp ước này thêm 5 năm mà không cần điều kiện tiên quyết thì Mỹ lại đang đưa ra một số điều kiện để gia hạn cũng như muốn rút ngắn thời gian gia hạn. Hồi tháng 9 vừa qua, ông Billingslea cho biết, Mỹ sẵn sàng hoàn tất một bản ghi nhớ ở cấp tổng thống với Nga về việc gia hạn START-3, song cũng chuẩn bị cho phép hiệp ước này hết hiệu lực nếu hai bên không thể hoàn thành bản ghi nhớ. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí cũng cho biết, Washington đã đề xuất với Moscow về việc gia hạn START-3 thêm ít hơn 5 năm để tạo điều kiện càng sớm càng tốt tìm kiếm một văn kiện đa phương mới. Phản ứng với tuyên bố của đại diện phía Mỹ, Thứ trưởng Ryabkov cho biết, Moscow đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào liên quan đến START-3.

Coi START-3 là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực giải trừ quân bị, lâu nay, Nga luôn kêu gọi Mỹ không trì hoãn việc gia hạn START-3. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, nếu hiệp ước này không còn tồn tại thì thế giới sẽ không có công cụ nào để kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang. Gần đây, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya đã tái khẳng định rằng, nước này thực sự quan tâm tới việc gia hạn START-3 vì Moscow coi văn kiện này như một yếu tố then chốt của sự ổn định chiến lược. “Chúng tôi sẽ nói với các đồng nghiệp Mỹ rằng, không gia hạn hiệp ước là một sai lầm lớn, không mang lại lợi ích gì cho Washington cũng như khiến thế giới trở nên kém an toàn hơn”, ông Vasily Nebenzya nhấn mạnh.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/tin-hieu-tich-cuc-cho-start-3-640018