Tín hiệu tích cực cho hòa giải dân tộc ở Palestine

Sau 10 năm kiểm soát Dải Gaza, ngày 17-9, Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas tuyên bố đã sẵn sàng bàn giao khu vực này cho Phong trào Fatah của chính phủ đoàn kết của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Đây được xem là một tín hiệu tích cực nhằm hàn gắn sự rạn nứt giữa 2 phong trào chính trị chủ chốt của Palestine trong 10 năm qua.

Phong trào Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: jforum.fr

Sau cuộc chiến giữa hai phe vào năm 2007, Hamas kiểm soát Dải Gaza, trong khi Fatah kiểm soát Bờ Tây. Nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phe phái chính của Palestine đã thất bại.

Sau nhiều ngày cân nhắc, ngày 17-9, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết đã chấp nhận những yêu cầu chủ chốt do phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas đưa ra. Theo đó, Hamas đã nhất trí giải thể “Hội đồng hành chính” kiểm soát Dải Gaza và sẵn sàng cho phép chính phủ tổ chức các cuộc bầu cử mới cũng như tham gia đàm phán với Fatah.

“Hội đồng hành chính” gồm 7 nhân vật cấp cao của phong trào này nhằm quản lý các vấn đề của Dải Gaza, từng bị Tổng thống Mahmoud Abbas coi là một chính phủ song song với chính quyền Palestine gây cản trở tiến trình hòa giải. Hamas cho biết, quyết định bàn giao Dải Gaza xuất phát từ mong muốn của phong trào về đoàn kết dân tộc cũng như đáp lại những nỗ lực của Ai Cập nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa các phe phái Palestine.

Ngày 18-9, Tổng thống Mahmoud Abbas, người đang ở New York (Mỹ), đã có cuộc điện đàm với Thủ lĩnh Hamas, ông Ismaïl Haniyeh. Ông Mahmoud Abbas đã đánh giá cao việc Hamas chấp nhận các điều kiện quan trọng nhằm chấm dứt sự chia rẽ về chính trị và lãnh thổ kéo dài suốt thập kỷ qua tại Palestine.

Để đạt được kết quả này trước hết phải nói đến vai trò trung gian của Ai Cập. Kể từ tháng 3-2009, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian trong cuộc đàm phán hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine. Thỏa thuận hòa giải được chính quyền Ai Cập soạn thảo năm 2009 và được cả Hamas và Fatah thông qua vào tháng 5-2011, sau các cuộc biểu tình của người dân Palestine nhằm khôi phục sự thống nhất giữa các phe phái chính trị Palestine sau 4 năm xung đột. Tuy nhiên, ít nhất đã có 7 lần nỗ lực hòa giải giữa Fatah và Hamas gặp thất bại, bao gồm cả vòng đàm phán ở Doha năm 2012.

Việc hai bên không tìm ra giải pháp hòa giải trong một thập kỷ qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân Palestine cũng như đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở dải đất này lên mức chưa từng có, khiến khu vực ngày càng nghèo đói. Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas gần đây đã phải chịu áp lực khi áp đặt "các biện pháp trừng phạt" chống lại Dải Gaza nhằm ép từ bỏ quyền kiểm soát khu vực này.

Trong số các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Hamas có việc giảm bớt số tiền điện chi trả hàng tháng cho Dải Gaza xuống còn 60%, khiến thời gian cung cấp điện cho dải đất này giảm xuống dưới 4 giờ/ngày. Trước đó, chính quyền Palestine hằng năm vẫn hỗ trợ 1,5 tỷ USD cho Hamas ở Dải Gaza.

Ai Cập đã hoan nghênh những bước đi mới của phong trào Hồi giáo Hamas và phong trào Fatah nhằm xây dựng sự đoàn kết Palestine, coi đây là kết quả của những nỗ lực của Cairo trong việc chấm dứt hận thù kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine.

Ai Cập khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình và tiếp xúc với Tổng thống Mahmoud Abbas và tất cả lực lượng Palestine theo hướng phục vụ lợi ích cộng đồng người Palestine.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tin-hieu-tich-cuc-cho-hoa-giai-dan-toc-o-palestine/