Tín hiệu nguy hiểm

Vụ dùng thuốc nổ 'thổi bay' Văn phòng liên lạc giữa hai miền phần nhiều lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác: nó được tính toán kỹ càng, được thông báo trước và phía Hàn Quốc có thể giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình diễn ra...

Tiếng nổ ở thành phố biên giới

Đã lâu lắm rồi, người ta mới lại nghe thấy tiếng nổ ở khu vực biên giới giữa hai miền Triều Tiên. Chiều 16-6, một tiếng nổ lớn đã vang lên tại khu phức hợp công nghiệp chung giữa hai miền Triều Tiên tại thành phố biên giới Kaesong, nơi đặt văn phòng liên lạc Triều Tiên-Hàn Quốc.

Sau tiếng nổ, tòa nhà 4 tầng sụp xuống trong làn khói. Tất cả những ai quan sát cảnh tượng đều biết rằng Triều Tiên đã quyết định thực hiện lời đe dọa: cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung liên Triều.

Văn phòng liên lạc chung liên Triều được xây dựng tại khu công nghiệp Kaesong dựa trên thỏa thuận giữa hai miền Triều Tiên trong Tuyên bố Panmunjom (Bàn Môn Điếm) được Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ký với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ngày 27-4-2018.

Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump. Ảnh: L.G.

Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump. Ảnh: L.G.

Văn phòng này đóng vai trò như một “đại sứ quán” hai nước, cung cấp những kênh liên lạc trực tiếp giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên. Hằng tuần, các quan chức Hàn Quốc lại tới đây làm việc và trong văn phòng có hàng chục quan chức của hai bên làm việc thường xuyên.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, hai bên đã có một vụ nổ súng qua lại ở ngay khu phi quân sự mà sau đó, dường như cả hai phía đều muốn đi tới kết luận là do sự bất cẩn, không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, vụ dùng thuốc nổ “thổi bay” Văn phòng liên lạc giữa hai miền phần nhiều lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác: nó được tính toán kỹ càng, được thông báo trước và phía Hàn Quốc có thể giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình diễn ra.

Cho dù chỉ mang tính biểu tượng bởi từ lâu, văn phòng này không còn hoạt động nữa, thế nhưng vụ nổ truyền đi một thông điệp không thể hiểu sai lệch cho miền Nam: Triều Tiên không còn kiên nhẫn nữa trước thực trạng mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc.

Không dừng lại ở đó, các hành động tiếp theo của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đã quyết định đóng sập mọi cánh cửa dẫn tới sự hòa giải với Hàn Quốc. Sau khi văn phòng liên lạc bị đánh sập, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị gửi một phái đoàn sang Triều Tiên để đàm phán giảm bớt căng thẳng, thế nhưng đã bị thẳng thừng từ chối.

Sau khi đánh sập Văn phòng liên lạc, phía Triều Tiên cũng cứng rắn tuyên bố rằng đó mới chỉ là động thái khởi đầu và những hành động tiếp theo có thể “vượt xa mức tưởng tượng!”.

Một trong những hành động “vượt mức tưởng tượng” đó là có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên quyết định tái triển khai lại binh sĩ ở khu vực biên giới. Người ta có thể quan sát thấy sự hiện diện của binh sĩ Triều Tiên ở những đồn biên phòng trong khu phi quân sự, vốn bị bỏ trống kể từ sau thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều đạt được hồi tháng 9-2018.

Bình Nhưỡng cũng đe dọa sẽ tiếp tục gửi binh sĩ tới thành phố biên giới Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang), đồng thời nối lại tất cả những cuộc diễn tập quân sự gần khu vực biên giới với Hàn Quốc.

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cũng cảnh cáo rằng phía Hàn Quôc “nên coi trọng” việc quân đội Triều Tiên “đang cân nhắc hành động quân sự”.

Tình hình khu vực biên giới giữa Triều Tiên với Hàn Quốc đang nóng dần lên, có nguy cơ quay trở lại tình trạng đối đầu, giống như trước khi hai bên đạt được thỏa thuận làm dịu tình hình vào năm 2018.

Những tờ truyền đơn

Mà tình trạng căng thẳng nặng như núi đè giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên ấy bắt nguồn từ tờ giấy mỏng tang: những tờ truyền đơn.

Trước đây, khi quan hệ giữa hai miền còn căng thẳng, những người Triều Tiên đào tẩu sang miền Nam thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền chống phá miền Bắc, trong đó việc dùng bóng bay mượn chiều gió để thả các tờ rơi, vật phẩm sang khu vực phía Bắc là khá phổ biến.

Nhưng kể từ sau Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018, quan hệ giữa hai miền đã có những bước cải thiện mang tính đột phá. Trong năm 2018, hai bên đã ra Tuyên bố Panmunjom, trong đó có điều khoản quy định “chấm dứt mọi hành động thù địch bao gồm cả việc thả tờ rơi”. Các hành động tuyên truyền chống miền Bắc tạm thời lắng xuống.

Nhưng đến ngày 31-5 vừa qua, theo Yonhap, một số nhóm người chạy trốn khỏi Triều Tiên đã thả 50.000 tờ rơi, 50 cuốn sổ tay, 2.000 tờ 1 USD và 1.000 thẻ nhớ máy tính tại thành phố Gimpo, tỉnh Gyeonggi. Các tờ rơi, sổ tay, thẻ nhớ máy tính này chứa những nội dung chống phá Triều Tiên, đặc biệt là trực tiếp nhằm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Hình ảnh tòa nhà Văn phòng liên lạc chung liên Triều bị phá hủy. Ảnh: L.G.

Tới ngày 8-6, những nhóm người này còn tìm cách đưa gạo vào Triều Tiên bằng cách thả nổi các chai thủy tinh nhưng không thành công do vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Những người này còn đe dọa sẽ thả thêm 1 triệu tờ rơi sang phía Triều Tiên vào ngày kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên 25-6.

Hành động này đã vấp phải phản ứng giận dữ từ phía Triều Tiên. Quan chức Ban Mặt trận thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu Hàn Quốc không có những biện pháp nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi của những người đào tẩu thì sẽ phải đối mặt với những hậu quả như khu công nghiệp Kaesong bị xóa bỏ, đóng cửa Văn phòng liên lạc liên Triều, hủy bỏ Thỏa thuận quân sự liên Triều...

Phản ứng cứng rắn của phía Triều Tiên là có thể hiểu được vì hành động tuyên truyền chống phá bằng tờ rơi đã vi phạm Tuyên bố Panmunjom, đồng thời ẩn chứa những rủi ro trong việc lây lan dịch bệnh COVID-19. Nói cách khác, Triều Tiên đánh giá những hành động này là sự lan truyền cả hai loại virus chính trị và y tế. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên từng gọi việc thả tờ rơi là “hành động tấn công phủ đầu trước chiến tranh”.

Nói là làm, ngày 9-6, phía Triều Tiên cắt đứt toàn bộ các đường dây liên lạc giữa hai miền.

Dường như cũng nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nên phía Hàn Quốc đã có những bước đi ban đầu nhằm hạn chế hoạt động của các nhóm người chống đối Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố 2 nhóm người chạy trốn khỏi Triều Tiên đã vi phạm quy định thả tờ rơi và gửi đồ vật bằng chai nhựa sang Triều Tiên vì có quy định “trước khi gửi đồ vật sang Triều Tiên phải nhận được sự phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc”.

Các hành động đó đi ngược lại thỏa thuận giữa người đứng đầu hai nước, gây ra sự căng thẳng trong quan hệ liên Triều, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản cư dân khu vực biên giới, xâm phạm đến lợi ích công cộng...

Nhưng, đã quá muộn khi phía Triều Tiên quyết định đóng lại cánh cửa hòa bình.

Vòng xoáy không lối thoát

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận hành động quyết liệt của phía Bình Nhưỡng trong khuôn khổ của một phản ứng cứng rắn trước các hành động tuyên truyền nhằm vào Triều Tiên và cá nhân nhà lãnh đạo nước này là chưa đủ.

Bởi tình trạng căng thẳng Triều Tiên-Hàn Quốc luôn được đặt trong bối cảnh của một mối quan hệ rộng lớn hơn: quan hệ Mỹ-Triều.

Hai cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội cùng với một cuộc gặp chớp nhoáng ở làng đình chiến Panmunjom giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ gặt hái kết quả nơi những bức ảnh và chương trình truyền hình thu hút sự chú ý của người xem, chứ không mang lại một bước tiến triển nào cụ thể trên thực tế. Những thỏa thuận giữa hai bên hầu như chỉ nằm trên giấy.

Kể từ khi bước vào năm bầu cử 2020, mối bận tâm lớn nhất của ông Trump là thực hiện chiến dịch tranh cử nhằm ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa. Đúng lúc đó thì dịch COVID-19 bùng phát và nước Mỹ của ông Trump phải gồng mình chống lại dịch bệnh. Những đe dọa an ninh bên ngoài bị đẩy lui xuống hàng thứ yếu.

Nếu như có một điều gì buộc ông Trump phải quan tâm đến Bán đảo Triều Tiên thì đó là sự cải thiện quan hệ giữa hai bên sẽ giúp tăng khả năng đắc cử của ông lên một chút. Nhưng, ông Trump lại không thể đạt được sự nhượng bộ từ phía Triều Tiên bằng cách gây sức ép. Sau những lời nói, cử chỉ thể hiện quan hệ cá nhân nồng ấm giữa ông Trump với ông Kim, thực chất quan hệ Mỹ-Triều không đạt được bất cứ tiến triển nào, dù nhỏ nhất.

Không những thế, trong tình thế căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, ông Trump quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm 1 năm nữa, một cách “chữa cháy bằng xăng” mà ai cũng có thể hình dung ra được những hậu quả của nó.

Quan hệ Mỹ-Triều bị “đóng băng” khiến quan hệ liên Triều cũng biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trong con mắt của Bình Nhưỡng, Seoul đã thất bại với vai trò của một bên trung gian truyền tin và hòa giải, giúp tác động để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều. Việc duy trì một mối quan hệ nồng ấm như đã từng diễn ra trong các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo của hai miền, không thật sự quá cần thiết nữa.

Những tín hiệu nguy hiểm đang được các bên phát đi liên tục từ Bán đảo Triều Tiên. Bị vây hãm giữa những nghi kị qua nhiều thập niên, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang bước vào một thời kỳ đầy rủi ro. Như đã từng xảy ra trong quá khứ, bất cứ một động thái bất cẩn nào của một bên cũng có thể kéo theo những phản ứng tương xứng từ phía bên kia, kéo cả hai vào một vòng xoáy không lối thoát.

Yên Ba

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tin-hieu-nguy-hiem-600843/