Tín hiệu mừng cho âm nhạc cổ điển Việt Nam

Diễn ra gần một tuần đầu tháng 12, Cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2019 với sự tham gia tranh tài của 170 thí sinh đến từ mọi miền Tổ quốc mang lại những sắc thái và trình diễn phong phú ở 4 thể loại âm nhạc cổ điển: Hát thính phòng-nhạc kịch, độc tấu piano, độc tấu violon và hòa tấu.

Cuộc thi được đánh giá thành công lớn bởi qua con số thí sinh dự thi cũng như kết quả đạt được cho thấy âm nhạc cổ điển Việt Nam luôn phát triển và tiếp cận với các nền âm nhạc khác.

Mở rộng sân chơi âm nhạc cổ điển

Cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2019 là cuộc thi mang tầm quốc gia, đồng thời là một trong 3 sân chơi tìm kiếm tài năng lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (học viện) tổ chức trong năm nay, tạo uy tín về nghề nghiệp cũng như thu hút lượng thí sinh đông đảo từ mọi miền đất nước tham dự. Theo NSƯT Bùi Công Duy, Phó giám đốc học viện: Qua cuộc thi lần này cho thấy nhu cầu được thử sức, thể hiện tài năng âm nhạc cổ điển rất cao của mỗi thí sinh. Do đó, học viện sẽ có những kế hoạch tổ chức nhiều hơn những cuộc thi âm nhạc trong nước cũng như mang tầm quốc tế để tạo sân chơi có chất lượng cho thí sinh trong và ngoài nước.

 Phần trình diễn của thí sinh Nguyễn Đoàn Thảo Ly (giải nhất thể loại hát thính phòng-nhạc kịch) tại cuộc thi.

Phần trình diễn của thí sinh Nguyễn Đoàn Thảo Ly (giải nhất thể loại hát thính phòng-nhạc kịch) tại cuộc thi.

Trong 5 ngày với 13 buổi trình diễn, các thí sinh tập trung cao độ thể hiện phần thi của mình. Với mong muốn cuộc thi sẽ vươn tới tầm cao hơn, vì vậy mà bên cạnh các giáo sư, tiến sĩ, NSND, NSƯT và các giảng viên hàng đầu về dòng nhạc thính phòng cổ điển trong nước, ban tổ chức (BTC) đã mời thêm các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về các bộ môn violin, thanh nhạc và piano đến từ các học viện nghệ thuật hàng đầu của Hungary, Pháp và Nga cùng tham gia các hội đồng giám khảo. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh, các nghệ sĩ có điều kiện giao lưu, tiếp xúc, học hỏi bổ sung thêm kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập với bạn bè quốc tế.

Những buổi diễn, vòng thi, bên cạnh việc trình diễn phần thi của mình, các thí sinh được BTC bố trí sân khấu, nhạc cụ như một buổi trình diễn chuyên nghiệp trước sự chứng kiến của hội đồng giám khảo, trước thầy cô, bạn bè và đông đảo khán giả tại phòng hòa nhạc lớn của học viện (77 Hào Nam, Hà Nội).

Là giọng hát của Đài Tiếng nói Việt Nam, ca sĩ Đinh Trang vẫn đăng ký dự thi bởi theo cô, đây là sân chơi chuyên nghiệp để những người theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển cọ xát. Đinh Trang chia sẻ: “Lần này đến với cuộc thi, em mong muốn được hát lên những bản aria, romance và ca khúc Việt Nam mà mình yêu thích bằng tất cả lòng nhiệt huyết. Thực sự đến cuộc thi thấy nhiều thí sinh tài năng, giọng hát và kỹ năng trình diễn làm chủ sân khấu rất tốt, qua đó em học hỏi rất nhiều. Mong rằng cuộc thi này sẽ được tổ chức đều đặn để những bạn trẻ yêu nghệ thuật cổ điển tiếp tục nuôi dưỡng đam mê theo đuổi, cống hiến cho sự phát triển nghệ thuật hàn lâm nước nhà”.

Nguyễn Đoàn Thảo Ly, học viên Khoa Thanh nhạc của học viện cho rằng, cuộc thi tạo dấu ấn lớn trong chặng đường học tập nuôi ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của loại hình âm nhạc được cho là khó và khổ này: “Sau cuộc thi, em đã học thêm được rất nhiều bài học và kinh nghiệm cho mình...".

Hướng phát triển bền vững

Theo đánh giá của NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng BTC cuộc thi: Hầu hết thí sinh tham dự ở 4 thể loại trình diễn có chất lượng tương đối cao. Trong cuộc thi xuất hiện một số tài năng trẻ đầy triển vọng. Các em đã có những bước tiến về diễn tấu sân khấu, có bản lĩnh. Dẫu chỉ đang ở độ tuổi 12-17 nhưng các em đã sớm làm chủ được kỹ năng biểu diễn. Đây cũng chính là tiền đề cho khả năng hội nhập quốc tế. Qua đó khẳng định chúng ta có cơ sở và triển vọng đào tạo được nghệ sĩ âm nhạc tài năng cho đất nước.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Năm 2019 là năm có nhiều tín hiệu đáng mừng của âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Ngoài các cuộc thi tìm kiếm tài năng trong nước được tổ chức, nhiều thí sinh Việt Nam đã đoạt giải cao ở sân chơi quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều chương trình âm nhạc cổ điển liên tục được các doanh nghiệp, “mạnh thường quân” đứng ra tổ chức tạo nên sân khấu biểu diễn cho các nghệ sĩ. Một số ca sĩ trẻ cũng hồ hởi phát hành album, MV âm nhạc thính phòng, cổ điển trong sự đón nhận, cổ vũ nhiệt thành của giới làm nghề và công chúng. “Cuộc thi Âm nhạc mùa thu thực sự trở thành một hoạt động nghề nghiệp hết sức có ý nghĩa và có tầm quan trọng đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Thông qua kết quả cuộc thi sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo phát hiện, đánh giá thực trạng, từ đó có cách nhìn đầy đủ hơn, chính xác hơn và cũng đưa ra được những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng âm nhạc, góp phần phát triển chung cho nền nghệ thuật của đất nước”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho hay.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tin-hieu-mung-cho-am-nhac-co-dien-viet-nam-605041