Tin giả làm lệch lạc suy nghĩ và thái độ con người

Tin giả đang là một vấn nạn không nhỏ trên phạm vi toàn cầu. Vấn nạn này đã được đề cập trong cuộc tọa đàm 'Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả' do Saigon Times Group tổ chức ngày 19.6 tại TPHCM với các góc nhìn từ pháp luật, tâm lý đến thực tế nghề báo.

 Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả”. Ảnh: P.K

Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả”. Ảnh: P.K

Nhiều quốc gia đang siết chặt chế tài chống tin giả

Theo tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga, ở hầu hết các quốc gia hiện nay đều xuất hiện tình trạng tin giả. Chính vì thế, các nước cũng đều đang tập trung xây dựng các quy định ngăn chặn, chống tin giả.

Theo đó, các quy định về tin giả ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn; và các biện pháp chế tài, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin giả cũng ngày càng mạnh và nghiêm khắc hơn. Tin giả không chỉ là những thông tin 100% sai sự thật với động cơ vu khống, bôi nhọ, nói xấu... mà còn có những tin chỉ có một nửa sự thật, một nửa còn lại là bịa đặt với động cơ, mục đích riêng nhằm trục lợi hoặc hạ bệ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức khác.

Tiến sĩ Nga cũng cho biết, các quốc gia bên cạnh việc ban hành các đạo luật kiểm soát, kiểm duyệt chặt hơn về thông tin đặc biệt là trên internet, còn đưa ra các khung xử lý nặng hơn. Đơn cử như Singapore, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi đưa tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng là 1 triệu USD, còn mức phạt tù lên đến 10 năm.

Với sự tổng hợp và phân tích từ các vụ việc, tình huống tin giả trên thực tế, nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao Động) cho biết, tin giả bắt nguồn từ mạng xã hội như Facebook, các trang tin, tin giả không chỉ đến từ các cá nhân mà còn từ các tổ chức, cơ quan. Một điểm rất đáng chú ý về tin giả xuất hiện tại Việt Nam liên quan tới chính khách luôn rất hot, được nhiều người tò mò theo dõi. Một con số được nhà báo Lê Thanh Phong dẫn lại từ phát ngôn của ông Lê Quốc Minh (Phó tổng giám đốc TTXVN) là từ 70 - 80% độc giả tin vào tin giả.

Tham gia ý kiến, giảng viên Nguyễn Văn Hà (Khoa Báo chí - Truyền thông ĐH KHXHNV TPHCM) cho rằng, tin giả cũng có “ma lực” của nó và những người đọc hiếu kỳ rất thích đọc các tin giật gân, tin giả. Trên thực tế, không phải phóng viên, biên tập viên lúc nào cũng có thể tỉnh táo phát hiện ra 100% tin giả. Ông Hà cho rằng, cuộc chiến chống tin giả là một cuộc chiến gian nan và lâu dài.

Tin giả gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng

Dẫn ra trường hợp tin giả máy bay rơi tại Nội Bài, tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang cho rằng, tác động tiêu cực của nó không chỉ ảnh hưởng và gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn khiến xã hội hoang mang, nhiều người kháo nhau là không dám đi máy bay nữa. Tiến sĩ Trang cũng nêu ra trường hợp tin giả cho rằng nhiều học sinh trường Lương Thế Vinh (Thủ Đức, TPHCM) bị xâm hại. Sau đó, thiếu tướng Phan Anh Minh (khi còn đương chức Phó Giám đốc Công an TPHCM) cung cấp thông tin xác minh cho rằng thông tin trên không đúng sự thật, chỉ có một em học sinh bị té. Thế nhưng, dư luận lại tin vào tin giả và nghi ngờ cả tướng Minh.

Theo tiến sĩ Trang, tin giả gây ảnh hưởng tiêu cực như gây tổn hại uy tín cho cá nhân và tổ chức; gây hoang mang, tạo dư luận xấu; phá hoại thuần phong mỹ tục; nhũng nhiễu thông tin nội bộ quốc gia, gây bất ổn chính trị, chia rẻ tôn giáo, sắc tộc...

THẾ LÂM

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/tin-gia-lam-lech-lac-suy-nghi-va-thai-do-con-nguoi-739954.ldo