'Tin giả' là thách thức lớn của báo chí thời công nghệ số

Theo đại diện UNESCO tại Việt Nam, sự lan truyền tin xuyên tạc, tin sai xảy ra chủ yếu và phổ biến cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội. Điều này đặt ra câu hỏi về vấn đề kiểm soát và tự kiểm soát của các công ty cung cấp các dịch vụ này cũng như thách thức lớn đối với báo chí.

Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo trước phiên khai mạc “Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 – Công nghệ số cho những điều tốt đẹp” (hoạt động quan trọng trong chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển-Việt Nam do Đại sứ quán Thụy Điển, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Trường Đại học Lund (Thụy Điển) đồng tổ chức) diễn ra vào chiều 19/3 tại Hà Nội, ông Micheal Croft, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với báo chí về nạn tin giả.

Ông Micheal Croft, đại diện UNESCO tại Việt Nam: Các mạng xã hội đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với báo chí về nạn tin giả.

Ông Micheal Croft, đại diện UNESCO tại Việt Nam: Các mạng xã hội đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với báo chí về nạn tin giả.

“Sự vào cuộc của hàng loạt quốc gia trong cuộc chiến chống tin giả (fake news) cho thấy nguy cơ từ tin giả ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Thực tế này không chỉ yêu cầu các quốc gia có thái độ nghiêm túc, hành động quyết liệt, có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu, mà còn đòi hỏi trách nhiệm từ chính các cơ quan, đơn vị báo chí”, ông Micheal Croft nói.

Ông Pereric Hogberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam: "Một xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu về công nghệ".

Theo định nghĩa của UNESCO, các tin giả và tin sai đều khác với báo chí chất lượng vì báo chí phải tuân thủ những tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, báo chí kém chất lượng lại tạo điều kiện cho tin xuyên tạc, tin sai nảy sinh hoặc rò rỉ vào trong hệ thống tin thật.

“Trong bối cảnh tin xuyên tạc và tin sai ngày nay, nguy cơ cuối cùng không phải là sự kiểm soát báo chí một cách vô lý, mà là việc công chúng có thể hoài nghi tất cả mọi thứ, kể cả tin sự thật của báo chí. Theo kịch bản này, mọi người sẽ có khả năng tin tưởng vào bất cứ nội dung gì được các mạng xã hội của họ ủng hộ và phù hợp với cảm xúc mà bỏ qua quan tâm của lý trí”, UNESCO khuyến cáo.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam: Internet sẽ giúp kết nối đổi mới sáng tạo để hướng đến phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, không chỉ tại Việt Nam, ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, tin giả cũng là vấn nạn, tác động tiêu cực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế... Một khảo sát năm 2018 của Viện thăm dò dư luận (Gallup) và Quỹ Hiệp sĩ (Knight Foundation) tại Mỹ cho thấy, có đến 65% người dân đánh giá thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội mà họ tiếp xúc là thông tin sai lệch.

Đánh giá tác hại của tin giả, D.Patrikarakos, tác giả cuốn sách “Chiến tranh trong 140 nhân vật” đã phân tích, đại ý: tin giả không hoạt động như tuyên truyền truyền thống, nó cố gắng làm vẩn đục nước, cố gắng gieo càng nhiều nhầm lẫn và càng nhiều thông tin sai lệch càng tốt, để khi mọi người nhìn thấy sự thật, họ khó nhận ra hơn…

Trước vấn nạn trên, vai trò của báo chí truyền thống, với tư cách là người đảm bảo chất lượng của thông tin đại chúng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Thông tin của báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong dòng thác các dữ liệu được đưa ra từ vô số nguồn của các cá nhân hay tổ chức ẩn danh khác nhau, mà đa phần là tin tức giả mạo hay sự nhào trộn khéo léo giữa tin thật và tin giả.

Internet cần hướng đến sự tốt đẹp, an toàn và trách nhiệm

Diễn đàn Internet Việt Nam – 2019 đề cập đến các chủ đề chính gồm: Chính phủ điện tử vì những điều tốt đẹp; Thành phố thông minh, kết nối và bền vững; Công dân số sử dụng công nghệ một cách an toàn và trách nhiệm; Công nghệ và Đổi thay; Thúc đẩy tác động xã hội thông qua công nghệ mới…

Về vai trò quan trọng của Internet, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Hogberg nhận xét: "Hai yếu tố quan trọng nhất trong xã hội Thụy Điển là sự cởi mở và tính minh bạch. Ngày nay, 94% người Thụy Điển sử dụng internet với tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và internet đã giúp Thụy Điển thúc đẩy văn hóa cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó tạo ra những phát minh, sự tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước Thụy Điển như ngày hôm nay. Một xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu về công nghệ".

Trong khi đó, bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam thì cho rằng internet sẽ giúp kết nối đổi mới sáng tạo để hướng đến phát triển bền vững.

"UNDP đang nỗ lực tìm kiếm những cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, giảm nghèo và bất bình đẳng. Trên khắp thế giới, chính những thanh niên mong muốn đổi mới sáng tạo là những người đã ứng dụng công nghệ mới và mạng internet trong xây dựng xã hội. Kết nối thanh niên đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030", bà Caitlin Wiesen nói.

Vĩnh Sưởng

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tin-gia-la-thach-thuc-lon-cua-bao-chi-thoi-cong-nghe-so-post57026.html