Tin giả - Đại dịch của thế kỷ 21

Fake news (tin tức giả) không phải lúc nào cũng rõ ràng là giả. Trong thực tế, những tin tức giả mạo thành công nhất sẽ luôn trông khá hợp lý. Vậy làm thế nào để chống lại đại dịch thông tin này và khắc phục những hậu quả mà nó để lại?

Tin tức giả mạo được dùng như một chiến lược thương mại, một mục đích chính trị mờ ám nào đó hoặc đơn thuần “chỉ để đùa giỡn cho vui”.

Tin tức giả mạo được dùng như một chiến lược thương mại, một mục đích chính trị mờ ám nào đó hoặc đơn thuần “chỉ để đùa giỡn cho vui”.

Fake news tồn tại từ lúc nào?

Cụm từ “fake news” (tin giả) mới nổi lên từ cuối năm 2016, có lẽ là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhưng ít ai biết lịch sử về fake news trên báo chí cũng ra đời từ khi người ta bắt đầu làm báo, nghĩa là từ mấy trăm năm trước rồi.

Năm 1835, tờ The New York Sun (sau này là The Sun) là tờ báo báo hàng đầu thời bấy giờ, đáp ứng nhu cầu về tin tức rẻ tiền và những câu chuyện thú vị và dễ đọc về con người. Để đạt được thành công, tờ báo đã rất sáng tạo trong việc thu hút sự chú ý của độc giả. Vào tháng 8/1835, The Sun đã cho ra một serias bài viết gồm sáu kỳ nói về việc phát hiện ra cuộc sống và thậm chí cả nền văn minh trên Mặt Trăng. Những khám phá mạo danh là nhà thiên văn học nổi tiếng John Herschel.

Các bài viết mô tả những động vật kỳ bí trên mặt trăng, trong đó có bò rừng, dê, ngựa một sừng, hải ly không đuôi hai chân, và những người có cánh như dơi ("Vespertilio-homo") đã xây dựng ra các đền thờ. Có cả cỏ cây, đại dương và bãi biển. Những phát hiện này được cho là thực hiện bằng "một kính viễn vọng khổng lồ theo một nguyên lý hoàn toàn mới."

Loạt bài này gây ra một sự xôn xao lớn và mọi người đổ xô đi mua báo hàng ngày. Lượng phát hành tăng vọt từ 8.000 đến hơn 19.000 bản/ngày, vượt qua The Times của London để trở thành tờ báo hàng ngày bán chạy nhất trên thế giới. Vụ lừa đảo khoa học kinh điển này phần nào đã giúp giải thích tại sao tin tức giả mạo được dùng như một chiến lược thương mại và hiện tượng này lại xuất hiện trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin hiện nay.

Great Moon Hoax, in thạch bản về "ruby amphitheater" của The Sun, bài số 4 trong 6 bài, ngày 28/8/1835. Bài báo thảo luận về một kính thiên văn khổng lồ được đặt tại Mũi Hảo Vọng giúp các nhà khoa học nhìn thấy bề mặt của Mặt Trăng và khám phá ra một nền văn minh của những con người có hình cánh dơi.

Độc giả mất lòng tin

Quay trở lại ngày nay, vấn nạn fake news đã bùng phát và nhận được sự chú ý rộng rãi đặc biệt trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bởi một loạt tin tức này được cho là đã tác động lớn đến tâm lý của cử tri. Một phân tích của Buzzfeed cho thấy rằng những tin tức giả mạo được chia sẻ rộng rãi nhất trong năm 2016 là Đức Giáo hoàng ủng hộ ông Donald Trump; bà Hillary Clinton bán vũ khí cho ISIS hay giám đốc FBI nhận hàng triệu từ Quỹ Clinton….

Lại đến năm 2018, fake news về việc nhà báo Arkady Babchenko, 41 tuổi, bị ám sát bởi ba phát đạn vào lưng ở bậc thang căn hộ của mình đã khiến cả làng báo phương Tây chấn động. Babchenko có quan điểm phản đối những chính sách Nga áp dụng tại Ukraine và việc Moskva can thiệp quân sự vào tình hình Syria. Vì vậy, khi thông tin này lan ra, Nga là quốc gia bị nghi ngờ đứng sau “âm mưu” ám sát. Thêm vào đó, trong bối cảnh tư tưởng phản đối Moscow sau sự kiện sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng ở Ukaine, các nước phương Tây nhanh chóng biến thông tin này nhanh chóng lên “headline”.

Nhưng chỉ 24 giờ sau, ông Babchenko lại bất ngờ “ hồi sinh”, xuất hiện tại một buổi họp báo ở Kiev với lời giải thích đang tham gia vào một kế hoạch của Ukraine - ngụy tạo cái chết của chính mình để truy bắt những kẻ đang tìm cách giết ông.

Cộng đồng nhà báo đã đồng loạt lên tiếng về tầm quan trọng của tính xác thực trong thông tin và nhấn mạnh, tính chân thực của báo chí đã bị tổn hại bởi các tin tức giả. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới lên án chiến dịch của Ukraine là "màn dàn dựng thảm hại". "Thật đáng tiếc và thảm hại khi cảnh sát Ukraine chơi đùa với sự thật, bất chấp động cơ của họ là gì", người đứng đầu tổ chức Christophe Deloire nói với tờ AFP.

Nhưng cả đồng nghiệp cũ của ông Babchenko, phóng viên điều tra Nga Andrei Soldatov, cũng cho rằng vụ dàn dựng đã "vượt quá giới hạn". Ông viết trên Twitter. "Tôi vui vì bạn mình còn sống, nhưng ông ấy đã làm tổn hại đến uy tín của giới nhà báo cũng như truyền thông".

Ví dụ về tin giả: Arkady Babchenko – nhà báo 41 tuổi bị đồn đoán đã chết nhưng thực tế “bất ngờ hồi sinh” sau 24 giờ.

Cuộc chiến chống tin giả

Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin trong đời sống xã hội. Truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… bạn có thể tiếp xúc với đủ mọi loại tin từ khắp nơi trên mạng. Chỉ cần nhấp vào một tiêu đề có vẻ thú vị, giật gân là bạn có thể đến một trang web giả mạo, do một tài khoản ‘ma’ tạo ra để tăng lưu lượng truy cập và tạo ra doanh thu quảng cáo. Điều đáng nói là bên cạnh các tin giả xuất phát từ sự nông nổi, thiếu hiểu biết của một số người, tin giả còn được sinh ra từ ý đồ phá hoại uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tiến công vào chính quyền, gây nhiễu loạn thị trường kinh tế…

Không chỉ những người dân bình thường, ngay cả những nhà báo cũng có là nạn nhân của fake news. Đơn cử như thông tin về dàn siêu xe gắn biển xanh của thành phố Cần Thơ; thư của em bé viết cho bố công tác ở đảo xa, hoặc cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường… Kết quả, nhiều cơ quan báo chí đã bị nhắc nhở và xử phạt.

Giữa “dòng thác” thông tin như hiện nay, báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong hàng loạt mẩu tin được đưa ra từ vô số nguồn khác nhau, và thật khó để phân biệt thật giả. Các quốc đã phải dùng đến những biện pháp khác nhau để chống lại nạn dịch fake news.

Tại Singapore, ngày 9/5 vừa qua, Quốc hội nước này đã thông qua luật chống "tin tức giả mạo" cho phép nhà chức trách ra lệnh gỡ bỏ những nội dung đăng tải không phù hợp. Theo đó, luật mới trao quyền cho các bộ trưởng trong chính phủ có thể yêu cầu các trang truyền thông xã hội như Facebook và Twitter gắn cảnh báo bên cạnh những nội dung đăng tải mà nhà chức trách xác định là giả mạo hoặc gỡ bỏ. Nếu một hành động bị đánh giá là độc hại và gây tổn hại lợi ích của Singapore, các công ty có thể bị phạt tiền lên tới 1 triệu SGD (hơn 16,8 tỷ đồng). Các cá nhân vi phạm có thể đối mặt án phạt tối đa 10 năm tù giam.

Tại Nga, tháng 3 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin ký phê chuẩn dự luật mới chống lại tin giả và lạm dụng những bình luận trực tuyến. Cụ thể, luật mới cho phép chính quyền chặn các trang web hoặc tài khoản trên mạng nếu không tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ thông tin mà được cho là tin giả, chưa kiểm chứng và sai sự thật, xúc phạm chính quyền, thiếu tôn trọng xã hội và biểu tượng của nhà nước Nga. Theo đó, các cá nhân sẽ bị phạt tới 400.000 rúp (hơn 140 triệu đồng) khi lan truyền những thông tin giả trên mạng có nguy cơ dẫn tới hành vi vi phạm an ninh trật tự quy mô lớn. Số tiền phạt tối đa lên tới 1,5 triệu rúp (hơn 530 triệu đồng) nếu vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như gây tử vong hoặc bạo loạn.

Khác với nước khác, Phần Lan có một vũ khí hiệu quả để chống lại tin giả: giáo dục. Nước này cho rằng, vấn đề này phải được giải quyết thông qua việc cải thiện khả năng đọc tin, và nhiệm vụ của các nhà giáo dục và xã hội là dạy cho trẻ em tư duy phản biện một cách thông minh. Các nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa trình độ và khả năng “đề kháng” tin tức giả, với kiến thức và tư duy phản biện tốt chống lại thông tin bịa đặt. Phần Lan, Thụy Điển và Hà Lan là một trong những quốc gia dạy kiến thức kỹ thuật số và cách phản biện lại thông tin sai lệch cho học sinh.

Tại Việt Nam, ngày 12/6/2018, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 như một cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng để ngăn chặn, xử phạt nạn tin giả. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cảnh báo người dân trong lựa chọn thông tin mỗi ngày, vai trò của báo chí như một người “bác sĩ” bảo vệ độc giả trước đại dịch “tin giả”, mang đến cho độc giả những thông tin trung thực, đa chiều và khách quan nhất./.

M.Phương

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tin-gia-dai-dich-cua-the-ky-21-80543.html