Tin giả có thể làm sụp đổ cả một doanh nghiệp

Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm 'Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả' do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 19/6.

Tin giả gây ra những tác động tiêu cực về nhiều mặt cho xã hội

Tin giả gây ra những tác động tiêu cực về nhiều mặt cho xã hội

Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TPHCM cho hay, hiện nhiều người sẵn sàng chia sẻ hình ảnh của người khác mà chưa hề có thẩm định cho đến khi cơ quan điều tra đưa ra bằng chứng sự việc không phải như vậy. Theo đó, tin giả sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực như: gây tổn hại uy tín cá nhân và tổ chức, định hình suy nghĩ và thái độ lệch lạc của con người, gây hoang mang, tạo dư luận xấu; Gây kích động thù hằn, kích động bạo lực, dâm ô, thù nghịch, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; Làm nhũng nhiễu thông tin nội bộ quốc gia, gây bất ổn chính trị, phân chia tôn giáo, sắc tộc.

“Có người đã phải tìm đến cái chết vì những áp lực từ tin giả” – bà Trang cho hay.

Đối với doanh nghiệp, khó có thể đo đếm được tổn thất do tin giả gây ra. “Tin giả là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể bị sụp đổ chỉ vì một tin giả"- Nhà báo Lê Thanh Phong (báo Lao Động) nhìn nhận. Ông Phong dẫn ví dụ về thông tin cà phê pin đã gây ảnh hưởng rất lớn đến những người kinh doanh cà phê, hay như vụ nước mắm nhiễm Arsen khiến ngành nước mắm truyền thống lao đao.

Tiến sĩ Luật Đinh Thị Thanh Nga cho hay, nhiều doanh nghiệp chưa tự tin đòi hỏi quyền lợi của mình trong khi pháp luật đã có đầy đủ các công cụ để báo vệ doanh nghiệp khi họ bị ảnh hưởng bởi tin giả. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được bồi thường thiệt hại, cải chính, công khai xin lỗi.

Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận rằng việc cải chính thông tin không mang lại hiệu quả hoàn toàn triệt để. Cụ thể, tới bây giờ ngành cà phê Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng từ thông tin giả về việc cà phê chứa pin. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần phải lên tiếng, thậm chí đưa ra pháp luật để những người tung tin giả phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, đồng thời răn đe đối với những người khác.

Không chỉ gây ra tác động tiêu cực cho người dân và doanh nghiệp, tin giả còn đặt các cơ quan báo chí trước không ít thách thức. Cụ thể, bối cảnh tin xuyên tạc và tin giả tràn lan, công chúng có thể hoài nghi tất cả mọi thứ, kể cả tin sự thật của báo chí. “Tin giả đã đầu độc những diễn đàn xã hội, đe dọa sự phát triển lành mạnh và dân chủ của xã hội” – bà Trang nhận xét.

Nhà báo Lê Thanh Phong cho hay, nhiều nhà báo mất bình tĩnh, vì cơn lốc của thông tin và bị áp lực khiến họ lao theo số người tin vào tin giả. Báo chí đang trong cuộc chạy đua áp lực cạnh tranh tin nhanh. Để cạnh tranh bạn đọc thì báo chí phải nhanh và phải đáp ứng xu hướng bạn đọc. Điều này hạn chế nghiệp vụ, không thẩm tra thông tin tốt, gây tiêu cực, vô tình phát tán tin giả trên kênh chính thống. Trong khi đó, độc giả hiếu kỳ, thích tin giật gân, không cần thẩm định và phát tán tin giả.

Trước thực tế đó, bà Trang cho rằng cần đề cao vai trò của luật pháp, giáo dục và truyền thông. Nhiều nước đã đưa môn Phân tích truyền thông vào chương trình dạy học. “Trước khi trở thành môn học chính thức, có những chuyên đề để giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao năng lực phân hóa, tiếp cận với thông tin” – bà Trang nói.

Ông Phong cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của báo chí. Theo đó, báo chí cần đưa tin đúng sự thật, có định hướng dư luận và xây dựng niềm tin đối với bạn đọc. Ông Nguyễn Văn Hà, Khoa Báo chí truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM kêu gọi nhà báo quay trở về báo chí truyền thống và thông tin phải luôn luôn được kiểm chứng.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, độc giả cũng phải có trách nhiệm trong công cuộc chống tin giả bằng cách kiểm tra qua các nguồn khác, không chia sẻ thông tin chưa xác định được nguồn tin.

Tiến sĩ Luật Đinh Thị Thanh Nga cho biết, khá nhiều quốc gia đã thông qua các đạo luật để kiểm soát thông tin trên các mạng xã hội (kiểm duyệt) như Australia, New Zealand, Đức, gần đây là Nga và Singapore. Hầu hết các đạo luật đều khá mạnh tay với việc chế tài các công ty truyền thông hay các mạng xã hội trong cung cấp thông tin để phòng ngừa nguy cơ tin giả và xử lý nhanh chóng khi có tin giả.

Đáng chú ý là Singapore với Luật chống tin giả và thao túng trên mạng với các chế tài khá mạnh. Trong số các biện pháp được đề xuất có khoản phạt lên tới 1 triệu đôla Singapore (hơn 17 tỷ đồng) và mức tù tối đa 10 năm đối với các trường hợp lan truyền tin giả nghiêm trọng nhất. Còn Trung quốc thì kiểm duyệt bằng cách cấm toàn bộ các mạng xã hội của nước ngoài hoạt động.

Việt Nam cũng đã ban hành Luật An ninh mạng không chỉ nghiêm cấm các hành vi như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

Điều 26 khoản 3 của Luật An ninh mạng còn nêu rõ, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ cho người dùng trên mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Việc xử phạt tin giả tại Việt Nam được quy định tại Nghị định 174/NĐ-CP/2013 về xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tước giấy phép 1 đến 3 tháng; bồi thường thiệt hại dân sự; xử lý kỷ luật đối với cá nhân đưa thông tin thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tin-gia-co-the-lam-sup-do-ca-mot-doanh-nghiep-106801.html