Tín dụng tăng thấp nhất kể từ 2016, bảo hiểm cũng gặp khó

Tăng trưởng tín dụng tính đến 19/6/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19; tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 19/6/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, tính đến thời điểm 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%) và đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19/6 các năm 2016-2020 (tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 19/6 các năm 2016-2020 lần lượt là: 6,2%; 7,54%; 6,35%; 6,22%; 2,45%).

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1%-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; trong đó giảm 0,6%-0,75%/năm mức lãi suất trần tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm mức lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4%-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,9%-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5%-7,4%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng gặp khó khăn do thu nhập của người dân trong giai đoạn phòng, chống dịch giảm, gây ảnh hưởng đến việc đóng phí các hợp đồng bảo hiểm đang còn hiệu lực và hạn chế tham gia các gói bảo hiểm mới.

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 6%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng.

Do lĩnh vực bảo hiểm không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu nên các điểm kinh doanh, giao dịch bảo hiểm với khách hàng phải đóng cửa và tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tăng cường hoạt động giao dịch, tư vấn bằng hình thức trực tuyến, chủ động gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm từ 60 ngày đến 90 ngày nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//tai-chinh/tin-dung-tang-thap-nhat-ke-tu-2016-bao-hiem-cung-gap-kho-3547278.html