Tín dụng tăng thấp, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới tỷ lệ tăng trưởng

Tại họp báo hoạt động ngân hàng quý III/2020 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 22/9, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Do cầu tín dụng còn yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

“Từ nay đến cuối năm, nếu các ngân hàng có đề nghị điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ xem xét cho phép nới tỷ lệ tăng trưởng tùy từng ngân hàng nhưng mở rộng tín dụng phải đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả", bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chỉ tiêu tín dụng 14% năm 2020 được cơ quan này xây dựng trên cơ sở đánh giá các điều kiện kinh tế cuối năm 2019, khi chưa có dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ là một chỉ tiêu trung gian, là chỉ tiêu định hướng. Do vậy, một số tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí âm, một số đề xuất điều chỉnh.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, thời gian qua, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. Tính đến ngày 15/9, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 7,58% so với cuối năm 2019.

“Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019, đến ngày 16/9, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019”, ông Phạm Chí Quang nói.

Liên quan đến hoạt động tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết: Ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như: Vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến-chế tạo... tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, những tháng đầu năm, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và ngành Ngân hàng đã chủ động và sớm triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Nhờ có các giải pháp kịp thời và hiệu quả nói trên, sau 2 tháng đầu năm tín dụng tăng chậm (đến cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%), từ tháng 3 tín dụng đã có xu hướng tăng trở lại; 6 tháng đầu năm đạt 3,65% và chỉ trong vòng hơn 2 tháng, tính đến ngày 16/9/2020 tăng trưởng tín dụng đã tăng lên 4,81%.

Liên quan tới tình hình nợ xấu, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng - NHNN cho biết: Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng) không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và xử lý bằng hình thức bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.

Được biết, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD.

Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/tin-dung-tang-thap-ngan-hang-nha-nuoc-se-xem-xet-noi-ty-le-tang-truong-20200922114909845.htm