Tín dụng nội bộ của HTX: Lo thành con dao 2 lưỡi vì... dễ phạm luật

Tín dụng nội bộ (TDNB) dù là hoạt động phụ nhưng đang hỗ trợ tích cực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp phải nhiều khó khăn do khung pháp lý.

Dễ phạm luật

TDNB đang phát triển khá nhanh trong những năm vừa qua nhờ khả năng đáp ứng vốn cho nông hộ kịp thời hơn so với ngân hàng và tổ chức tín dụng khác.

Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Bình Thành (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, dịch vụ này mang lại hiệu quả thiết thực khi khắc phục đáng kể tình trạng thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cả HTX lẫn thành viên.

Tín dụng nội bộ khắc phục đáng kể tình trạng thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cả HTX lẫn thành viên. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tín dụng nội bộ khắc phục đáng kể tình trạng thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cả HTX lẫn thành viên. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện cả nước có gần 1.200 HTX nông nghiệp thực hiện TDNB, bằng 10% tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Lượng vốn mà các HTX huy động biến động rất lớn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/HTX.

Triển khai TDNB 20 năm nay trong nhiệm vụ chính là hỗ trợ thu mua lúa, hàng năm, HTX Bình Thành giải ngân cho vay tín dụng từ 3 - 5 tỷ đồng. Tất cả các hoạt động cho vay đều là ngắn hạn bằng tín chấp để phục vụ sản xuất. Hàng tháng, HTX này cho 500 - 600 hộ thành viên vay theo nhu cầu, nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/lượt.

TDNB giúp những thành viên có tiền nhàn rỗi có thể cho những thành viên thiếu vốn vay lại thông qua HTX. “Thủ tục đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo khả năng thu hồi nên cả hai bên đều có lợi và có sự đảm bảo an toàn bằng vai trò trung gian của HTX” - ông Đời nói.

Tuy nhiên, theo ông Đời, tình trạng không thống nhất giữa luật HTX hiện nay với các luật khác khiến cho việc quy định nghĩa vụ thuế, phí (cổ tức vốn) đối với hoạt động TDNB gặp nhiều khó khăn. Các cấp thực hiện cũng hiểu rất khác nhau nên ít có HTX thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này.

Vướng mắc lớn nhất, theo ông Đời, là các quy định tín dụng trong Thông tư 15 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước đã lỗi thời. Thông tư vẫn cho phép HTX huy động thêm vốn nhàn rỗi của thành viên nhưng lại quy định tổng lượng vốn cho vay tối đa cho TDNB không quá 20% và mỗi khoản vay không lớn hơn 5% tổng vốn điều lệ bằng tiền mặt của HTX.

“Thông thường vốn điều lệ, nhất là vốn điều lệ bằng tiền mặt của các HTX nông nghiệp rất ít. Vì thế hầu như HTX nào triển khai TDNB đều vi phạm” - ông Đời nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc HTX Tân Mỹ Chánh (Tiền Giang) cho rằng, TDNB vừa là 1 dịch vụ cần thiết cho nông dân, vừa giúp địa phương xóa đói giảm nghèo.

HTX rất muốn thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ thuế để giữ uy tín khi vay vốn tại ngân hàng. Tuy nhiên trong thực tế, HTX rất dễ vi phạm luật tín dụng. Nộp thuế chậm cũng bị phạt, không kê khai thuế đầy đủ cũng bị phạt.

“Việc kiểm tra, giám sát và kiểm toán đối với hoạt động TDNB không hoặc rất ít được quan tâm, cũng không đơn vị nào chịu trách nhiệm này để hỗ trợ HTX” - ông Thành kể.

“Vướng víu” vì thông tư đã hết hiệu lực?

Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), những khó khăn của HTX Bình Thành hay Tân Mỹ Chánh là khá điển hình trong hoạt động TDNB hiện nay.

Ngoài ra, một số HTX vẫn chưa tuân thủ quy định lãi suất cho vay ngang bằng lãi suất tín dụng thương mại cùng thời điểm. Hoặc mức vốn cho vay tối đa đối với một thành viên vượt quá mức trần quy định 5% số vốn điều lệ bằng tiền của HTX. Ngược lại, hoạt động TDNB chưa được cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của các hạn chế trên đa phần là từ những bất cập và hạn chế của khung pháp lý quy định tại Thông tư 15 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước. Theo Thông tư 15, TDNB là một hoạt động phụ trợ trong HTX. Còn chiếu theo Luật HTX thì đây không phải là hoạt động kinh doanh tiền tệ. Nhưng hiện nay chưa có quy định nào làm rõ vấn đề này.

Hoặc những câu hỏi như: Hoạt động TDNB của HTX có được xem là hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện của tổ chức tổ chức tín dụng phi ngân hàng hay không vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Tương tự, Luật HTX năm 2012 cho phép TDNB là một trong nhiều hoạt động dịch vụ của HTX. Trong khi Thông tư 15 vẫn sử dụng căn cứ pháp lý là luật HTX 2003 đã hết hiệu lực...

Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 15 vốn ra đời trên cơ sở hợp nhất Thông tư 06 năm 2004 và Thông tư 04 năm 2007. Tuy nhiên, ngày 28.6.2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04 bãi bỏ hai thông tư trên.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, sau khi Luật HTX năm 2012 và Luật Các tổ chức tín dụng 2018 ra đời, số phận của Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa rõ ràng, đang đẩy các HTX đến chỗ lúng túng.

TDNB đang được coi như chỉ số cho phép nhận biết hiệu quả hoạt động của HTX. “Cần sửa đổi, thay thế chúng để phù hợp với tình hình mới nhằm phát triển phát triển kinh tế tập thể HTX và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp” - ông Thịnh nói.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tin-dung-noi-bo-cua-htx-lo-thanh-con-dao-2-luoi-vi-de-pham-luat-964310.html