Tín dụng kích từ đâu?

Suy kiệt vì dịch bệnh, doanh nghiệp không mặn mà vay vốn dù lãi suất đã giảm mạnh.

Tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần giảm lãi suất tới mức thấp kỷ lục nhưng tín dụng 7 tháng năm 2020 chỉ tăng 3,45%. So với mục tiêu cả năm 2020 là 11-14%, con số này tạo áp lực rất lớn cho nửa cuối năm nay. Nhiều chuyên gia cho rằng dù lãi suất có giảm về 0%, doanh nghiệp cũng chưa muốn vay tiền.

Số liệu quý II cho thấy vẫn có nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao, trên 5% so với hồi đầu năm như HDBank (9,6%), LienVietPostBank (8,4%), SHB (8,4%), VIB (6,7%), ACB (5,6%). Ngoài ra, có các ngân hàng tăng trưởng ở mức 5% như Vietcombank, Sacombank, VPBank, TPBank. Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng trên có tăng trưởng chủ yếu đến từ cho vay ngắn hạn và chỉ một phần nhỏ từ cho vay dài hạn. Điều này đã khẳng định ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính “nhìn chung, người dân hiện tại không mặn mà với vay vốn vì vay về cũng không biết để làm gì”.

Một điểm dễ thấy là lượng cho vay mới từ đầu năm đến nay phần lớn đến từ khách hàng cá nhân hơn là khách hàng doanh nghiệp. Tại VIB, cho vay các tổ chức kinh tế gần như giữ nguyên trong 6 tháng qua trong khi cho vay cá nhân và cho vay khác tăng trưởng đến 8,2%.

Tương tự, động lực tăng trưởng cho vay của ACB đến từ mảng khách hàng cá nhân (tăng 6,4%) và mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (6%), trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp lớn giảm 2% so với đầu năm. Hay ngay cả BIDV, theo Công ty Chứng khoán SSI, trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức thấp 2,1%, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí giảm 6,4%.

Nhiều ngân hàng cũng đồng tình với ý kiến “đẩy mạnh gói tín dụng tiêu dùng nhằm tăng sức mua” là chìa khóa cho việc kích cầu tín dụng hiện nay. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần đầu không hiệu quả vì nhiều rào cản, gói hỗ trợ lần thứ 2 phải có quy mô đủ lớn, đồng thời phải nhanh chóng và đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Bởi vì, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường, cách làm cũng phải khác lúc bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư đầu tháng 8, lãnh đạo Techcombank cũng xác định cho vay bất động sản và cá nhân vẫn là trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm 44% cơ cấu dư nợ bán lẻ.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ước tính, quy mô tiêu dùng cá nhân của Việt Nam tương đương khoảng 80% GDP và đóng góp gần 12% GDP năm 2019. Do đó, nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1% sẽ giúp GDP năm 2020 tăng trưởng thêm 0,12 điểm phần trăm.

Cũng có ý kiến lo ngại về rủi ro nợ xấu đối với nhóm khách hàng này. Hộ gia đình, cá nhân vay tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương vì dịch COVID-19. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước, cũng cho rằng: “Các ngân hàng, công ty tài chính không thể cho vay vô tội vạ. Nếu không, nợ xấu sẽ tăng rất nhanh”.

Nợ xấu là điều không thể không quan tâm, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước có những chính sách kích cầu tín dụng tiêu dùng, điều này còn có một điểm lợi khác. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, nhu cầu vay vốn của người dân hiện vẫn rất lớn và theo đó, tín dụng đen có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen.

Ảnh: QH

Dưới một góc độ khác, cần lưu ý là tại phần lớn các ngân hàng, các khoản cho vay tăng thêm trong 6 tháng qua chủ yếu đến từ cho vay ngắn hạn, chỉ một phần nhỏ là trung hạn và dài hạn. Điều này cho thấy các khoản vay mới này chủ yếu mang tính xoay xở hoặc vốn lưu động nhiều hơn là dùng cho đầu tư. Xét về lĩnh vực, công nghiệp và xây dựng là 2 nhóm ngành thu hút tín dụng tốt nhất 6 tháng qua. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng ngành xây dựng tăng tới 4,45%, theo sau là công nghiệp ở mức 3,95%, cao hẳn hơn mức trung bình của nền kinh tế.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn. Việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công cũng sẽ kích hoạt nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các dự án này. “Nếu giải ngân hết lượng vốn đầu tư công theo kế hoạch là 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2019, sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,38 điểm phần trăm”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.

Khổng Hiệp

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/tin-dung-kich-tu-dau-3336829/