Tín dụng 'đen' tràn về nông thôn

Trong thời gian qua, một số đối tượng từ các nơi đến địa bàn huyện Xuân Lộc thuê phòng trọ để hoạt động cho vay tiền nặng lãi. Họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết về mức lãi suất và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của một số người dân, chủ yếu là công nhân để đưa mọi người vào 'bẫy' tín dụng 'đen' một cách dễ dàng.

Các tang vật công an thu được của các đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn huyện Xuân Lộc.

Theo Công an huyện Xuân Lộc, tình hình cho vay nặng lãi trên địa bàn huyện đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.

* Nhiều nạn nhân sập “bẫy”

Tháng 8-2018, Công an huyện Xuân Lộc nhận được đơn của chị N.T.M. (ngụ xã Xuân Hiệp) trình báo về việc chị có thế chấp giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu gia đình cho đối tượng Trần Ngọc Dương (23 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk, tạm trú thị trấn Gia Ray) để vay 30 triệu đồng với hình thức trả góp cả vốn lẫn lãi theo ngày, trả trong vòng 40 ngày, lãi suất 15%/tháng. Khi trả được 12 ngày do lãi suất quá cao, chị M. mất khả năng trả nợ nên bị Dương cùng đồng bọn thường xuyên gọi điện đòi nợ và đe dọa.

Nhận được tin báo, Công an huyện Xuân Lộc và Công an thị trấn Gia Ray tiến hành kiểm tra nhà trọ đối tượng tạm trú thì phát hiện Trần Ngọc Dương và 2 đối tượng Lê Xuân Quân (18 tuổi, quê tỉnh Bình Định), Lý Ngọc Hùng (18 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) có một số tài liệu, đồ vật có liên quan đến việc cho vay nặng lãi đúng như đơn chị M. đã tố cáo.

Cũng trong tháng 8-2018, Công an huyện Xuân Lộc nhận được đơn của bà N.T.H. (ngụ xã Xuân Tâm) tố cáo đối tượng Lại Hồng Phong (18 tuổi, ngụ tại xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) cho bà H. vay 7,5 triệu đồng với lãi suất cao. Quá trình điều tra, công an xác định, Phong đến thuê phòng trọ tại khu 4, thị trấn Gia Ray để ở và làm địa điểm cho vay tiền. Tại thời điểm công an kiểm tra, Phong đã cho 20 người vay với số tiến từ 3-30 triệu đồng/người với mức lãi suất 15%/tháng.

Theo kết quả điều tra của Công an huyện Xuân Lộc, có trên 100 người vay của các nhóm đối tượng nói trên với số tiền lên tới trên 1 tỷ đồng, có trường hợp đối tượng đã hành hung người vay khi họ mất khả năng chi trả hoặc người vay tiền phải bỏ đi nơi khác để trốn nợ.

* Cảnh giác với vay không thế chấp

Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện các nhóm đối tượng có từ 3-6 người/nhóm, từ TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh TP.Hải Phòng, tỉnh Đắk Lắk, Nam Định... đến địa bàn huyện Xuân Lộc thuê phòng trọ để thực hiện hoạt động cho vay tiền với phương thức tinh vi, manh động.

Công an huyện Xuân Lộc đang mời các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi lên làm việc. Trước những thủ đoạn trên, Công an huyện khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nói không với tín dụng “đen” nhằm ngăn chặn các đối tượng cho vay nặng lãi lừa đảo chiếm đoạt đất đai và tài sản của người vay...

Cụ thể, các đối tượng này cho người đi rải tờ rơi với nội dung “cho vay nhanh, vay không thế chấp”, “chỉ cần gọi điện thoại là có tiền” tại các khu vực chợ, ngã ba, ngã tư đường có chốt đèn giao thông, trụ sở các cơ quan nhà nước và dán tại các trụ đèn, trụ điện, trên tường, khu vực công cộng. Thủ tục vay tiền rất đơn giản, chỉ cần thế chấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy kết hôn, hóa đơn tiền điện, thậm chí chỉ cần cung cấp thông tin chủ sim điện thoại là có thể vay tiền.

Các đối tượng cho vay theo hình thức trả góp cả vốn lẫn lãi theo ngày theo phương thức chọn trả trong 40 ngày, lãi suất là 20% trên tổng số tiền vay, tương ứng 15%/tháng và 180%/năm. Cá biệt có nhóm đối tượng cho vay lãi suất lên tới trên 300%/năm. Trong khi đó, theo Bộ luật Dân sự, nếu lãi suất cho vay quá 150% lãi suất của ngân hàng nhà nước công bố đối với các loại cho vay tương ứng thì gọi là “cho vay nặng lãi”.

Trước khi tiến hành giải ngân cho vay, các đối tượng cho vay cử người đến làm việc với người có nhu cầu vay, thẩm định hoàn cảnh gia đình, khả năng trả nợ của người vay. Sau khi cho vay tiền xong, hằng ngày họ cử nhân viên đến thu tiền gốc và lãi, đến khi người dân không có khả năng chi trả thì bọn họ giở thói côn đồ là đe dọa, hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, thậm chí là đe dọa người thân của người vay nhằm tạo sức ép phải bán tài sản, nhà cửa để trả nợ.

Ngọc Hoàng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201810/tin-dung-den-tran-ve-nong-thon-2915139/