'Tín dụng đen' khuấy đảo làng quê, nhiều nông dân dính nợ

Với quảng cáo hấp dẫn, nông dân cả tin cho rằng dịch vụ vay trả góp vừa nhanh gọn, vừa đơn giản bởi không cần thế chấp tài sản. Thực chất, hoạt động 'tín dụng đen'...

Đi về bất cứ làng quê nào, cũng có thể thấy những tờ giấy in quảng cáo cho vay tiền: “Cho vay tiền chỉ cần giấy tờ xe, thủ tục nhanh gọn” hoặc “HOT - cho vay trả góp - không thế chấp - không phụ phí - thủ tục đơn giản - cho vay trong ngày”; “Hỗ trợ tài chính - Hụi hốt ngày”; “Ngân hàng cho vay hỗ trợ tài chính”…

Vòi bạch tuộc

Khoảng đầu tháng 7, người dân ở vùng quê Chánh Thạnh thuộc phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định) nháo nhào bởi thông tin bà N.T.T.T, một người dân Chánh Thạnh chuyên cho vay trả góp, đưa một người tên H về nhà đánh đập, vì người này không có khả năng trả nợ cho bà.

Một căn nhà vay “tín dụng đen” mất khả năng trả nợ

Được biết, H vay của bà T khoảng 7 triệu đồng dưới hình thức trả góp. Sau đó, H trả góp dần được 5 triệu, rồi không còn khả năng để trả tiếp. Ấy thế là bà T cho người “triệu” H đến nhà mình rồi đánh đập, ép ký giấy nợ lên đến 40 triệu đồng, gọi là lãi mẹ đẻ lãi con.

Theo nhiều người, bà T là “trùm” cho vay trả góp, cho vay “nóng” tại Chánh Thạnh. Rất nhiều người vay tiền của bà T sau đó không có khả năng trả nợ vì lãi quá cao, bị bà T hăm dọa, khủng bố tinh thần nên đã nhờ chính quyền can thiệp. Thế nhưng, do là quan hệ dân sự, bên cho vay và bên vay có viết giấy nợ nên chính quyền bó tay.

Đây chỉ là 1 trong vô số trường hợp trong vòng xoáy “tín dụng đen” đang hoành hành tại các vùng quê Bình Định. Hiện tại nhiều xã, thị trấn thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Hoài Nhơn… đều có loại hình “tín dụng đen” hoạt động vừa mạnh vừa chuyên nghiệp.

Ví như tại huyện Hoài Nhơn, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn đều có dịch vụ “tín dụng đen”. Công an huyện Hoài Nhơn vừa kiểm tra, phát hiện 4 nhóm với 17 đối tượng (đa số có hộ khẩu ở các tỉnh phía Bắc) đến tạm trú tại đây để hoạt động cho vay trái phép.

Cái “bẫy” ngọt ngào

Ông Võ Văn Hùng ở xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), bức xúc: “Các tuyến đường tại thị trấn Tăng Bạt Hổ và dọc đường từ thị trấn đi An Lão có đầy tờ rơi, mẫu quảng cáo dịch vụ cho vay trả góp. Thậm chí, nhiều người còn tìm đến nhà người dân để tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay. Trong khi đó các cơ quan chưa có biện pháp gì để xử lý”.

Còn ở TX An Nhơn, nhiều trường hợp vay “nóng” nhưng vì lãi suất quá cao và “đẻ” quá nhanh nên mất khả năng trả nợ; hoặc con cái vay, khi không thể trả nợ nên bỏ trốn, lập tức cửa nhà liền bị giang hồ xịt sơn đỏ, vết sơn nói lên muôn lời đe dọa để ép người vay phải trả nợ gấp.

Quảng cáo “tín dụng đen” nhan nhản khắp nơi

Với quảng cáo hấp dẫn, nông dân cả tin cho rằng dịch vụ vay trả góp vừa nhanh gọn, vừa đơn giản bởi không cần thế chấp tài sản. Thực chất, hoạt động “tín dụng đen” như cái bẫy ngọt ngào, dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin hay những người vì điều kiện kinh tế khó khăn cần tiền chữa bệnh gấp đã dễ dàng “sập bẫy”.

Thử liên hệ với một số điện thoại trên 1 tờ quảng cáo, chúng tôi được người cho vay tên D tư vấn: Tham gia vay trả góp, người vay thường chịu lãi từ 10 - 15%/tháng, hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào mức lãi do bên cho vay quy định.

Tuy nhiên, trong hợp đồng, người cho vay sẽ ghi lãi suất không vượt quá 10 lần lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, nhằm đối phó pháp luật. Việc hoàn trả vốn được tính thời hạn từng tháng; trường hợp người vay không hoàn trả đúng thời hạn thì tiền lãi sẽ được cộng lũy kế vào tiền gốc để tính lãi phát sinh trong thời gian tiếp theo.

LS Nguyễn Văn Triết, VP Luật sư Triết, Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, cho biết: “Với cách tính lũy kế tiền lãi vào tiền gốc khi người vay không trả đúng hạn sẽ dẫn đến tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con”; số tiền gốc và lãi phải trả cao hơn nhiều lần so với tiền đã vay; người vay rất dễ rơi vào cảnh nợ chồng nợ”.

“Trước tình trạng tín dụng đen lan rộng, UBND huyện Hoài Nhơn đã chỉ đạo Công an huyện xây dựng kế hoạch đấu tranh với các trường hợp cho vay trái phép. Huyện còn thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở cho vay nhằm xử lý đối với hoạt động tín dụng đen”, ông Cao Thanh Thương , Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn.

TRẦN HẠ MÔN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tin-dung-den-khuay-dao-lang-que-nhieu-nong-dan-dinh-no-post223958.html