'Tín dụng đen', cho vay nặng lãi gây bức xúc trong nhân dân

Đánh giá về hoạt động của nhóm này, Giám đốc Công an các tỉnh cho biết, các băng nhóm có chiêu thức tinh vi, tạo vỏ bọc bằng hình thức kinh doanh hợp pháp để phạm tội.

Tại Kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Quảng Trị, Đại tá Trần Đức Việt, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đã giải trình những vấn đề liên quan “tín dụng đen” và cho vay nặng lãi đang gây bức xúc trong nhân dân.

Theo đó, điều tra của Công an tỉnh Quảng Trị nêu rõ, trên địa bàn tỉnh có 11 công ty tài chính, 14 cơ sở và 138 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất quá quy định của ngân hàng. Các tổ chức, cá nhân này hoạt động này núp dưới “chiêu bài” cho vay tài chính, cầm đồ, cho vay lãi suất cao. Đa số là quan hệ dân sự, giao dịch bằng miệng, hoặc văn bản ghi lãi suất theo quy định nhưng thực tế thì lãi suất cao hơn gấp nhiều lần. Vì thế, khi xảy ra vụ việc thì cơ quan công an gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

Thiếu tướng Từ Hồng Sơn phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình

Thiếu tướng Từ Hồng Sơn phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình

Trước thực tế này, Đại tá Trần Đức Việt, Công an tỉnh đang sàng lọc xem số nào là quan hệ dân sự, số nào là phạm tội hình sự để điều chỉnh bằng Luật cho phù hợp.

Tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Quảng Bình, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hoạt động tín dụng đen trên địa bàn đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Hiện có 44 băng nhóm với 277 đối tượng, chủ yếu từ tỉnh Nghệ An vào Quảng Bình thuê nhà ở, hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê.

Theo Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen làm tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Lãi suất của tín dụng đen cao hơn nhiều lần so với mức lãi suất ngân hàng, thủ tục cho vay đơn giản.

Theo quy định pháp luật đây là giao dịch dân sự bình thường, người vay và người cho vay thỏa thuận ngầm với nhau mà không thông qua bất cứ thủ tục hay loại giấy tờ gì. Các đối tượng cho vay thường là người có tiền án, tiền sự, các băng nhóm hoạt động bảo kê theo kiểu xã hội đen.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh.

Điều tra của Công an tỉnh Quảng Bình cũng chỉ rõ, các đối tượng từ Nghệ An vào Quảng Bình thuê nhà ở, đi dán quảng cáo cho vay, đòi nợ thuê tại nhiều nơi như thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và các huyện lân cận. Những vụ việc xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy, nếu người đi vay không trả nợ đúng hạn thì các đối tượng này gây áp lực, ném sơn, tạt nước mắm vào nhà, thậm chí còn dùng súng gây thương tích.

“Chúng tôi đã tăng cường công tác điều tra, phát hiện tình hình để đấu tranh xử lý, công tác phòng ngừa. Trong đợt tới này sẽ ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm để đảm bảo cho nhân dân thực sự yên bình”- Thiếu tướng Từ Hồng Sơn nói.

Tại Đồng Nai, trả lời chất vấn của đại biểu về hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức trên địa bàn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh xác nhận tình trạng phức tạp của các hoạt động tội phạm băng nhóm, có tổ chức, trong đó có nạn tín dụng đen.

Ông Mạnh thông tin, năm 2018, tình hình an ninh trật tự, tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tình hình băng nhóm tội phạm hoạt động tinh vi, có sự phối hợp giữa các đối tượng trong và ngoài tỉnh, tổ chức bảo kê, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, trộm cắp…. Từ đầu năm tới nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá 90 băng nhóm, bắt và xử lý 503 đối tượng.

Đáng chú ý, năm 2018 Đồng Nai nổi lên tình trạng các băng nhóm núp bóng doanh nghiệp cho thuê tài chính, kinh doanh cầm đồ. Chúng lợi dụng việc người dân thiếu hiểu biết, không có tài sản để thế chấp, vay tiền của các tổ chức tín dụng hợp pháp để cho vay nặng lãi, kèm theo hoạt động đòi nợ, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật….

Đánh giá về hoạt động của nhóm này, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tiến Mạnh cho biết, các băng nhóm có chiêu thức tinh vi, tạo vỏ bọc bằng hình thức kinh doanh hợp pháp để phạm tội, khiến công tác đấu tranh triệt phá của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cũng cho biết thêm, qua công tác đấu tranh, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện 21 nhóm với 172 đối tượng cho vay nặng lãi, xử lý 10 vụ, 27 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, khởi tố 4 vụ với 8 bị can. Có khoảng 131 người là nạn nhân của cho vay nặng lãi với số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng./.

PV/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/tin-dung-den-cho-vay-nang-lai-gay-buc-xuc-trong-nhan-dan-848781.vov