Tín dụng đen bủa vây người nghèo: Biện pháp nào triệt bỏ?

Trước nạn tín dụng đen (TDĐ) cho vay nặng lãi có chiều hướng phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh xã hội, các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền địa phương đang tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này.

Tín dụng đen làm nhiều gia đình khuynh gia bại sản.

Nhiều hệ lụy

Công an TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa) cho biết, sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, cơ quan này đã phá chuyên án liên quan đến hoạt động tín dụng đen, bắt giữ 2 vợ chồng Lê Hoành (SN 1988) và Nguyễn Thị Diệu Hoa (SN 1992, cùng ngụ số nhà 40B, Nguyễn Mộng Tuân, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa).

Theo kết quả điều tra ban đầu, đến thời điểm bị bắt, cặp vợ chồng này đã cho 40 bị hại trên địa bàn TP. Thanh Hóa vay với mức lãi suất thấp nhất là 180%/năm, tổng số tiền giao dịch cho vay nặng lãi là gần 3 tỉ đồng.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP, Thanh Hóa xác định Nguyễn Thị Diệu Hoa (vợ Hoành) còn cầm đầu 1 đường dây đánh bạc dưới hình thức ghi lô đề qua mạng internet với số tiền trên 300 triệu đồng.

Trước đó, vào những ngày cuối năm 2018, Công an TP. Thanh Hóa đã huy động 300 cảnh sát tổ chức khám xét một loạt ổ nhóm tín dụng đen núp bóng 5 công ty tài chính hoạt động trên địa bàn 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa. Bước đầu, đã khởi tố, bắt giam 5 người liên quan đến hoạt động này.

Bản chất của hình thức vay nặng lãi là “bóc lột và phạm pháp”. Bởi vì, khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005 quy định về lãi suất vay như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010, lãi suất cơ bản là 9%/năm.

Nếu người vay không còn khả năng chi trả, các đối tượng cầm đầu sẽ “điều” những tay chân thân tín đến nhà đe dọa, hành hung các con nợ. Để đánh đổi lấy sự an toàn của người thân, nhiều gia đình đành phải bản nhà, bán đất dắt díu nhau đi tha hương cầu thực sống màn trời chiếu đất. Đã có “con nợ” phải nghĩ đến cái chết, để thoát khỏi sự đeo bám từ những băng nhóm giang hồ đòi nợ thuê.

Trường hợp của bà N.T.X, ở Trấn Yên, Yên Bái, là một ví dụ. Bà X. làm trang trại, có hàng chục con dê, lợn sắp đến kỳ xuất chuồng nhưng vì thiếu vốn, không đủ tiền mua cám nên đã vay của Công ty Nam Long 70 triệu đồng với gói “lãi góp” 41 ngày. Bà X. đã trả 20 triệu đồng, đến hạn, bà X. chưa có tiền trả, các đối tượng đi 2 xe ôtô đến bắt tất cả gia súc, gia cầm gồm 21 con dê, hơn 30 con lợn với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng của gia đình bà X. Mặc dù đã lấy toàn bộ tài sản của bà X., các đối tượng tuyên bố bà vẫn còn nợ 5 triệu đồng nữa…

Hay như trường hợp của ông Trần (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vay 3 gói tín dụng, trong đó 2 gói 500 triệu đồng và 1 gói 300 triệu đồng của “Công ty Tài chính Nam Long”, thời hạn 41 ngày với lãi suất 18.750.000 đồng/ngày, phí ngoài hợp đồng phải trả 20.000.000 đồng, bị phạt do chậm nộp tiền 18.750.000 đồng và bị 2 đối tượng xăm trổ đến nhà đe dọa, gây gổ, gây rối trật tự.

Còn nhiều, rất nhiều trường hợp do mắc tín dụng đen mà bị xã hội đen đe dọa, đánh đập, cướp bóc tài sản, không thể thống kê.

Hệ thống ngân hàng mỏng, thủ tục phức tạp

Theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, TDĐ đang là vấn đề rất phức tạp không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác. Thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 4 năm qua, toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan TDĐ. Qua điều tra, công an phát hiện 6 vụ liên quan giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản và gần 2.000 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm và 165 vụ hủy hoại tài sản…

Hiện, lực lượng cảnh sát hình sự của Bộ Công an đang rà soát làm rõ có khoảng 200 băng nhóm hoạt động liên quan TDĐ với gần 2.000 đối tượng. Vừa qua, ở Thanh Hóa và Bắc Ninh, Đắk Lắk…, công an đã đấu tranh và đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng tình hình hoạt động của TDĐ. Hoạt động cho vay TDĐ rất phức tạp, len lỏi đến nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, với những hình thức tinh vi, giăng bẫy bằng thủ tục cho vay rất đơn giản. Các đối tượng đầu ra của TDĐ rất đa dạng, như: sinh viên, học sinh, công chức, dân cá độ, buôn lậu…

Điển hình, cuối tháng 11/2018, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá tổ chức TDĐ lớn nhất cả nước, hoạt động tại 63 tỉnh, thành. Tổ chức này núp bóng dưới vỏ bọc Công ty Tài chính Nam Long, giao dịch hơn 500 tỷ đồng, từng buộc khách hàng trả lãi 1.000%/năm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống ngân hàng còn mỏng, dịch vụ cho vay tiền chưa bám sát nhu cầu người vay tiền, chưa tiếp cận được người dân ở vùng sâu, vùng xa. Thủ tục, quy định trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng còn rườm rà, phức tạp. Trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng cho vay TDĐ tiếp cận khách hàng rất nhanh, thủ tục ngắn gọn. Ngoài ra, nhiều đối tượng vay còn có nhu cầu vay vốn nhanh không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh thư, hộ khẩu…

Biện pháp nào?

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan liên quan bằng mọi biện pháp về hình sự, kinh tế, phải đẩy lùi tín dụng đen và chiếm lĩnh được thị trường tín dụng nông thôn trong năm 2019.

Để đối phó với “cơn bão” TDĐ bằng biện pháp kinh tế, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị sửa Nghị định của Chính phủ theo hướng nâng mức lãi suất cho vay với hộ thoát nghèo để NHCSXH bảo đảm nguồn lực thực hiện, đồng thời góp phần không để cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo dính tới tín dụng đen. Ông Thắng cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức hỗ trợ cho vay đối với học sinh, sinh viên từ mức 1,5 triệu đồng/tháng lên 2,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ông Thắng cho biết, Hội đồng Quản trị NHCSXHVN sẽ họp và quyết định đề xuất nâng mức cho vay với hộ nghèo ở Tây Nguyên vì nhu cầu vay vốn canh tác lớn và mức cho vay với hộ dân tộc đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 31/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lên trên 50 triệu đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cũng đã triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng tiêu dùng và năm 2019 đã quyết định tăng thêm 5.000 tỷ đồng cho vay tín chấp ở nông thôn theo hướng: sáng vay, chiều nhận tiền để giúp người dân thoát khỏi tín dụng đen.

Đối với biện pháp hình sự, đại diện Bộ Công an cho biết, bộ này đang nắm số liệu trên giấy tờ về quy mô tín dụng đen ở nông thôn là khoảng 1.000 tỷ đồng. Bộ Công an đang tích cực triệt phá, xử lý các hình thức cho vay nặng lãi ở nông thôn, đồng thời đề nghị các ngành chức năng liên quan cũng cần vào cuộc để xử lý hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an giải quyết tín dụng đen

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2018, mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng GDP lại tăng trưởng cao, nguyên nhân là chất lượng tín dụng và mô hình tăng trưởng đã thay đổi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt.

Đến nay, tỷ lệ nợ xấu còn khoảng 1,89%, giảm từ mức 2,46% năm 2016. Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu. “Tôi có hỏi một số đồng chí ở các ngân hàng thì cơ bản không có nợ xấu nữa. Nợ xấu trước đây được gọi là cục máu đông, giờ cục máu động nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi. Điều này do yếu tố vĩ mô và công tác điều hành của các đồng chí”, Thủ tướng phát biểu.

Hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, từng ngóc ngách bản làng, lo hơn nữa là cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, buộc người vay đến chỗ mất nhà, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói, trở thành những chị Dậu mới”, Thủ tướng dẫn lời của một đại biểu Quốc hội để nhắc nhở.

“Đáng chú ý, hiện có một tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng, điều đó cho thấy ngành ngân hàng chưa mang dịch vụ tín dụng đến với tất cả người dân, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, ngành ngân hàng cần chủ động phối hợp hơn với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, cần kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước thông tin Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng trên 5.000 tỷ đồng để Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý vấn đề này.

Kỳ sau: Đâu là giải pháp chặn tín dụng đen?

Thanh Xuân

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tin-dung-den-bua-vay-nguoi-ngheo-bien-phap-nao-triet-bo-post25121.html