Tín dụng đen bủa vây 'làng công nhân SamSung'

Làng Mẫn Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lâu nay vẫn được ví như 'làng công nhân SamSung' … Điều đáng nói là ngay trong chính ngôi 'làng công nhân SamSung' này, đã và đang mọc lên rất nhiều dịch vụ cho công nhân vay tiền mà người dân vẫn quen gọi là tín dụng đen.

dsc_4461

dsc_4471

dsc_4473

dsc_4440

Những bảng hiệu hay những tờ rơi như thế này xuất hiện ngày một nhiều tại Mẫn Xá

Làng Mẫn Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lâu nay vẫn được ví như "làng công nhân SamSung". Trong làng, hầu như nhà nào cũng có phòng trọ công nhân, nhà ít thì hai ba phòng, nhà nhiều lên tới cả vài chục phòng…Điều đáng nói là ngay trong chính ngôi "làng công nhân SamSung" này, đã và đang mọc lên rất nhiều dịch vụ cho công nhân vay tiền mà người dân vẫn quen gọi là tín dụng đen.

Lãng Mẫn Xá với lợi thế nằm sát ngay cạnh khu công nghiệp Yên Phong (một trong những khu công nghiệp lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) vốn nổi tiếng với những nhà máy của SamSung cùng số lượng hàng nghìn công nhân lao động. Ngoài SamSung, trên địa bàn khu công nghiệp này cũng tập trung rất nhiều các công ty của Hàn Quốc, Trung Quốc….vì thế lượng công nhân tại đây khá lớn.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, người dân Mẫn Xá đã đầu tư, xây dựng những khu nhà trọ cho công nhân thuê. Giá nhà trọ tại đây đa dạng, cao nhất là 2,5 triệu và thấp nhất là 500.000đ. Với lợi thế nằm ngay sát khu công nghiệp, lại gần như trước cửa của các công ty SamSung, vì thế Mẫn Xá được khá đông công nhân tại đây lựa chọn để thuê trọ, sinh sống. Trong đó, phần lớn là công nhân của SamSung, vì thế người ta hay gọi Mẫn Xá với tên gọi là "làng công nhân SamSung".

Về Mẫn xá, để tìm được một phòng trọ ưng ý không phải là điều quá khó, bởi gần như nhà nào trong làng cũng đều có phòng trọ, nhà ít nhà nhiều. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay ở ngôi "làng công nhân SamSung" này là tình trạng ra ngõ gặp tín dụng đen.

Hoạt động tín dụng đen ở đây phát triển khá rầm rộ và công khai. Dạo quanh một vòng trong làng, chúng tôi đã ghi nhận có tới gần 10 cơ sở tín dụng đen đang hoạt động. Bên cạnh đó, những tờ rơi, biển thông báo cho vay tín dụng, cho vay công nhân xuất hiện nhan nhản khắp mọi ngõ ngách trong làng.

Theo một số người dân Mẫn Xá cho hay, đa phần chủ của những văn phòng hay công ty hoạt động tín dụng đen (cho công nhân vay tiền) đều là người ở nơi khác, chứ không phải người địa phương. Họ đến thuê nhà, thuê cửa hàng rồi trưng biển hiệu kinh doanh. Lúc đầu chỉ có một cơ sở, nhưng đến nay thì trong làng có khá nhiều cơ sở trực tiếp hoạt động.

Sỡ dĩ lại nói trực tiếp, bởi vì theo người dân ở đây cho hay thì ngoài những cơ sở, văn phòng có cửa hàng đang hoạt động trong làng, còn nhiều cơ sở tại nơi khác nữa cũng về đây hoạt động tín dụng đen nhưng không mở trụ sở, "chỉ cần công nhân có nhu cầu, sau một cú điện thoại là họ mang tiền về tận ngay".

Dịch vụ hỗ trợ tài chính

Vay 30 triệu, sau một năm trả lãi cả trăm triệu…

Tiếng là cho công nhân vay tiền, nhưng không có nghĩa là chỉ công nhân mới vay được tiền, mà bất cứ ai có nhu cầu về tài chính, cần tiền đều được phục vụ 24/24h.

Thủ tục vay và giải ngân nhanh chóng, dễ dàng. Nếu vay là công nhân vay thì cần có hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, in sao bảng kê bảng lương của 3 tháng liên tiếp (gần thời điểm vay nhất). Tùy vào mức lương của công nhân mà các chủ tín dụng đen sẽ đưa ra mức hỗ trợ, mức hỗ trợ tối đa là từ 70 – 80% theo bảng lương. Trường hợp vay bằng cách thế chấp tài sản (xe) thì cần chứng minh thư photo, không nhất thiết phải có giấy tờ xe chính chủ… Với hình thức vay này, sẽ được các chủ tín dụng đen ưu tiên giải ngân cao nhất so với giá trị chiếc xe.

dsc_4456

dsc_4477

dsc_4460

dsc_4477

Dịch vụ này xuất hiện khắp mọi nơi tại ngôi "làng công nhân SamSung này"

Mức lãi suất mà người vay phải trả dao động ở ngưỡng 3.000 – 5.000đ/1 triệu đồng/ngày. Nhưng, mức lãi suất này sẽ không được thể hiện ở giấy tờ vay tiền hay hợp đồng tín dụng mà chỉ là thỏa thuận ngầm giữa người vay và người cho vay. Điều đáng nói nữa là để che mắt hoạt động tội phạm, các đối tượng kinh doanh tín dụng đen thường không ghi hợp đồng vay tiền mà chuyển thành hợp đồng cho thuê, mượn tài sản để che mắt cơ quan chức năng.

Bác Tô Văn Đ., chủ một hộ gia đình kinh doanh phòng trọ tại Mẫn Xá chia sẻ, đã có nhiều trường hợp, công nhân vay tiền xong, đi làm không kịp trả nợ, đành phải gọi người nhà mang tiền lên trả hộ. "Gần đây nhất là một trường hợp một nam công nhân làm việc tại nhà máy SamSung, thấy bảo chơi lô đề gì đó thua, đem xe máy tay gas tới vay được 30 triệu, sau 1 năm phải trã lãi tới trăm triệu…".

Cũng theo lời bác Đ., không chỉ có công nhân vướng phải tín dụng đen mà không ít gia đình trong làng cũng rơi vào cảnh "tán gia, bại sản" vì có con cái mắc nợ. "Tết này, nhiều gia đình trong làng mất Tết, vì con cái về báo nợ cả vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Bố mẹ, gia đình cũng không biết con cái mình vay tiền làm gì mà vay cụ thể bao nhiêu tiền, chỉ thấy về báo nợ, rồi vài hôm sau toàn dân xã hội kéo đến đòi tiền, không trả tiền chúng dọa này, dọa kia…nhiều người phải cầm sổ đỏ để trả nợ cho con", bác Tô Văn Đ nói.

Về vấn đề này, phóng viên Báo Tổ Quốc đang liên hệ làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, sẽ sớm thông tin đến bạn đọc./.

Bài, ảnh: Sỹ Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tin-dung-den-bua-vay-lang-cong-nhan-samsung-20190102142022901.htm