Tín dụng đen 'bủa vây' công nhân lao động

Thời gian gần đây, nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi từ các tỉnh miền ngoài đến 'cắm chốt' cạnh các khu công nghiệp (KCN) vùng ĐBSCL để chào mời cho CNLĐ vay tiền với thủ tục rất đơn giản. Vay thì dễ, nhưng trả không dễ, vì lãi suất rất cao, gấp cả chục lần lãi suất ngân hàng.

Chỉ cần “Làm Cty lương 3 triệu đồng trở lên” là có thể vay không cần thế chấp. Những lời mời hấp dẫn thế này được dán đầy những nơi có đông CNLĐ. Ảnh: LÊ ĐỨC

Công đoàn và doanh nghiệp cùng giải cứu

Bà Nguyễn Thị Sương - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Cty TNHH XNK Thực phẩm Á Châu (Cụm công nghiệp Trung An, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) - cho biết, tháng 9 vừa qua, với sự đề xuất của CĐCS Cty, lãnh đạo Cty đã quyết định cho chị X là CNLĐ trong Cty tạm ứng số tiền hơn 10 triệu đồng để trả nợ, trừ dần vào lương.

Trước đó, CNLĐ này liên tục nghỉ việc mà không rõ lý do. Qua tìm hiểu, cán bộ CĐ biết do chị X vay tiền bên ngoài với lãi suất “cắt cổ”, lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng trả nợ, nên bị chủ nợ khống chế, không đi làm được. Chị X vì cần tiền để lo chuyện đột xuất trong gia đình mà vay số tiền 5 triệu đồng. Điều kiện trả nợ là mỗi ngày “góp” 200 ngàn đồng, trả liên tục trong vòng 1 tháng. Tính ra người vay phải trả tổng cộng 6 triệu đồng, tương đương lãi suất 20%/tháng.

Nghiệt ngã hơn, nếu người vay vì lý do nào đó không đóng 1 ngày, thì ngày hôm sau phải đóng gấp 3 lần (cho ngày tới hạn và phạt gấp đôi ngày không đóng trước đó). Còn nếu vì lý do nào đó mà người vay không “góp” 3 ngày thì số tiền đã “góp” được trước đó coi như mất.

Theo ông Nguyễn Tấn Thanh - Tổng Giám đốc Cty TNHH May mặc Hoan Vinh (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trong thời gian qua Cty đã cho 3 - 4 trường hợp CNLĐ tạm ứng tiền để trả nợ vay “tín dụng đen” (TDĐ) với lãi suất “cắt cổ” dẫn đến mất khả năng trả nợ. Cty cũng thông báo đến tất cả 800 CNLĐ không nên vay TDĐ, trường hợp CNLĐ gặp khó khăn trong cuộc sống, Cty có thể xem xét cho tạm ứng rồi trừ dần vào lương.

Còn tại Cty giày ChingLuh (KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), CĐCS Cty đã “giải cứu” một số trường hợp CNLĐ bị “lún” vào TDĐ bằng cách đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho CNLĐ vay tại các tổ chức tín dụng có uy tín. Ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch CĐCS Cty cho biết, từ khi CĐCS đứng ra giúp vay vốn theo cách ấy, đến nay đã 2 - 3 tháng không còn ghi nhận trường hợp CNLĐ nào vướng vào TDĐ, điều mà trước đó vẫn hay xảy ra.

Cần loại trừ tận gốc

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - ông Trương Văn Hiền - cho biết, LĐLĐ tỉnh đã nắm được tình hình nhiều đối tượng ở miền ngoài vào các địa bàn có đông CNLĐ để hoạt động TDĐ nhắm vào đối tượng là CNLĐ. Theo ông Hiền, phần nhiều CNLĐ làm việc ở các KCN có điều kiện kinh tế khó khăn, khi gia đình có việc, họ cần có ngay một khoản tiền để giải quyết. Trong khi đó họ khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, còn TDĐ thì luôn mời gọi, vì vậy mà nhiều CNLĐ đã liều vay vốn.

Ông Hiền mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giúp họ nói không với TDĐ. LĐLĐ tỉnh Tiền Giang một mặt thông báo đến các cấp CĐ trong tỉnh sinh hoạt cho CĐ viên và CNLĐ nói không với TDĐ, một mặt đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm ngăn chặn, loại trừ hoạt động TDĐ tại các KCN.

Theo ghi nhận, Tiền Giang là một trong những địa phương vào cuộc rất quyết liệt để ngăn chặn nạn TDĐ, nhất là ở các địa bàn có đông CNLĐ. Ngày 23.10 vừa qua, Công an TP.Mỹ Tho đã bất ngờ kiểm tra hành chính một căn nhà ở khu vực cụm công nghiệp Trung An (TP.Mỹ Tho) và phát hiện nhiều đối tượng có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi. Cơ quan chức năng phát hiện nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp, nhiều bộ hồ sơ vay tiền gồm có giấy CMND, sổ hộ khẩu…

Bước đầu, nhóm đối tượng thừa nhận từ miền ngoài vào Tiền Giang sinh sống và hoạt động cho vay trả góp. Người vay không cần thế chấp tài sản, chỉ cần có CMND hoặc sổ hộ khẩu. Trước đó, Công an huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cũng đã đã xử lý một nhóm đối tượng từ miền ngoài vào đây hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất 30 - 40%/tháng.

Đặc biệt, khám xét nơi ở của họ, cơ quan công an phát hiện có nhiều hung khí như roi điện, côn sắt, dao bấm. Cùng thời điểm trên, Công an huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) cũng đã phát hiện, xử lý một trường hợp nghi ngờ cho vay nặng lãi với nhiều giấy tờ và hung khí tại khu vực có đông CNLĐ thuộc KCN Giao Long.

Còn tại tỉnh Long An, tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, nhất là ở những nơi có đông CNLĐ.

Theo văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh rà soát, lên danh sách các nhóm liên quan đến hoạt động TDĐ, cho vay nặng lãi để có kế hoạch đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo trên, Công an huyện Cần Giuộc (nơi có nhiều KCN) đã xây dựng bản tin, đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của TDĐ để người dân biết, cảnh giác và tố giác.

Công an huyện Cần Giuộc cũng đã kiểm tra, xử lý một số đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng dưới dạng “Cty tài chính”. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An - ông Trương Văn Nọ - cho biết, tại kỳ họp Quốc hội lần này ông sẽ phản ánh tình trạng TDĐ đang hoành hành tại các KCN ở Long An để các bộ, ngành liên quan có biện pháp xử lý.

KỲ QUAN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tin-dung-den-bua-vay-cong-nhan-lao-dong-638895.ldo