'Tín dụng đen' bóc lột nông dân nghèo:'Thòng lọng' lãi suất siết cổ

Tại khu vực nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều hình thức cho vay trá hình dưới các tên gọi mượn tiền; ứng lương thực, phân bón... Thực tế, đây là hình thức 'tín dụng đen', mà khi dính vào, người nghèo bị bóc lột nặng nề, lãi mẹ đẻ lãi con. Phải còng lưng trả lãi, thậm chí nhiều hộ mất luôn khả năng trả nợ, phải bán trâu, bán bò, gán đất… Từ người làm chủ tài sản, nhiều con nợ của 'tín dụng đen' thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Không chỉ vay tiền chịu lãi suất cao, đến mùa vụ, nông dân còn bị chủ nợ ép bán nông sản với giá rẻ mạt. Trong năm, nếu không may gặp thiên tai, dịch bệnh… người nông dân liền trắng tay, âm nợ vì “thòng lọng” lãi suất.

Chịu lãi suất cao, còn bị ép giá

Ông Kpă Long luôn sợ chủ nợ siết bò vì dẫn ông Soan đi vay nhưng không trả được nợ. Ảnh: L.K

"Nhà em giờ chẳng còn gì nữa, nếu không trả hết nợ, sợ người ta lấy mất căn nhà này. Em chỉ mong trả hết nợ, sau này cuộc sống dù khó thế nào cũng không dám vay nữa”.

Chị Nay H’Chuông

Tại các tỉnh Tây Nguyên, từ nhiều năm nay, “tín dụng đen” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nông dân, nó đã len lỏi sâu vào trong đời sống của bà con và “ký sinh” không thể dứt ra. Nạn nhân chủ yếu là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ xã cho đến các buôn làng, “vòi tín dụng đen” đã lan đi khắp nơi, dễ thấy nhất là hình thức núp bóng các quầy hàng tạp hóa, lớn hơn là các đại lý thu mua nông sản. Ban đầu, các chủ đại lý hay quầy hàng đó gần gũi, đến với người dân như người bạn, “ân nhân” nhiệt tình và hào phóng. Khi được tin tưởng, họ sẵn sàng cho vay mà không cần thế chấp và sau đó trục lợi trên chính niềm tin của người dân nghèo.

Quá trình tìm hiểu, phóng viên Báo NTNN đã ghi nhận nhiều gia đình sống lay lắt, rơi vào thảm cảnh vì “tín dụng đen”. Trong căn nhà sàn nhỏ của ông Rmah Yi ở thôn Ama H’Lăk (xã Chư Mố, huyện Krông Pa, Gia Lai) nay trống trơn, tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo đã cũ mèm treo góc, thứ giá trị nhất hiện hữu là mấy con bò. Gia đình ông suy sụp kể từ ngày ông bị tai nạn giao thông. Để có tiền chi trả thuốc men, ăn uống hàng ngày, mảnh đất của gia đình cũng cho người khác thuê. Không còn đất sản xuất, mấy thành viên trong gia đình phải đi sang huyện khác làm thuê.

Chị Nay H’Chuôn - con anh Rmah Yi kể: “Lúc chưa bị tai nạn, bố em có vay của 1 người trong xã 60 triệu đồng với điều kiện làm mì xong phải bán cho chủ nợ. Nhưng năm 2013, bố không may bị tai nạn giao thông, không còn khả năng lao động nữa nên cho người khác thuê đất. Nhiều năm nay, số tiền nợ vẫn chưa trả xong, tính tiền gốc và lãi còn hơn 65 triệu đồng nhưng vẫn chưa biết lấy gì để trả”.

Ở cùng thôn Ama H’Lăk, gia đình anh Ksor Thun cũng lâm vào cùng cực. Năm 2012 bị mất mùa, anh Thun không có tiền đầu tư cho vụ trồng mì mới nên vợ chồng anh phải đi vay của một người kinh doanh trong làng 40 triệu đồng, lãi suất 30.000 đồng/triệu/tháng. Hơn 5 năm nay, vợ chồng anh Thun gần như dồn hết số tiền làm ra để trả nợ nhưng hiện, số tiền gốc và lãi vẫn còn hơn 43 triệu đồng. Nông sản làm được anh Thun đều buộc phải bán cho chủ nợ với giá thấp hơn thị trường từ 5-7 giá.

Gia đình ông Rmah Yi lâm nợ sau vay "tín dụng đen". Ảnh: L.K

“Tín dụng đen” là dạng huy động vốn hoặc cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là cho vay với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. Tín dụng đen thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó thì có thể là khuynh gia bại sản, thậm chí có những tình huống siết nợ bạo lực, gây bất an cho xã hội.

“Năm nào nhà mình thu hoạch mì cũng bán cho chủ nợ để trả lãi. Mặc dù bị ép giá nhưng vẫn phải bán cho họ, nếu không bán thì họ đòi trả hết cả tiền lãi lẫn gốc. Giá mì ngoài thị trường 3.500 đồng/kg, chủ nợ chỉ mua với giá 2.700 đồng”- anh Thun nói.

Nói về nạn vay lãi suất cao, ông Ksor Jú - Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết: Thống kê sơ bộ, ở xã có 370 hộ vay nợ từ các nhà buôn, lãi suất khoảng 3%/tháng. Theo ông Jú, có 2 hình thức là vay mượn bằng sản phẩm (mua gạo, ứng phân bón) và vay bằng tiền mặt, không cần thế chấp. Do bị ràng buộc khi vay nợ nên người dân phải bán lại nông sản cho chủ nợ với giá thấp, trong khi lãi lại cao.

Thực tế, không chỉ đơn giản là vay tiền và trả lãi, chỉ cần người dân có nhu cầu vay vốn, ứng gạo hay phân bón… đều được đáp ứng, nhưng cùng với đó chủ nợ “giăng bẫy” và người vay sau đó “è cổ” trả. Anh H’Nhứ (làng Broch 1, xã Adơk, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) có 1.000 gốc cà phê đang mùa thu hoạch cho năng suất cao, nhưng nghĩ đến số tiền vay nợ thì lòng không thể vui nổi. Chủ nợ yêu cầu chốt giá theo kiểu “gặt lúa non”, đầu mùa lấy tiền, đến vụ trả bằng cà phê với giá cố định 6.000 đồng/kg cà phê tươi nhưng anh không chịu vì sợ thiệt nặng. Nếu theo cách này, dẫu giá cà phê tăng lên gấp đôi thì người vay tiền vẫn bán theo giá chốt.

“Sợ thiệt thòi nhiều quá nên mình chỉ đồng ý trả lãi bằng tiền. Lúc vay, chủ nợ không yêu cầu nhiều, chỉ cần cần ký vào giấy nợ là được. Do vợ chồng mới ở riêng, thiếu đất sản xuất nên vay 80 triệu đồng để mua ruộng, còn ứng thêm 40 triệu đồng lấy phân bón. Riêng tiền phân bón phải chịu lãi 10%, còn 80 triệu đồng phải trả lãi 30.000 đồng/triệu/tháng”.

Bán bò, gán đất trừ nợ

Nhà 10 miệng ăn, ông Nay Nam (buôn Ơi Múi, xã Chư Gu, huyện Krông Pa) luôn đau đầu vì phí sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày. Từ nhiều năm nay, số tiền ông vay vẫn đang “lãi mẹ đẻ lãi con”, chưa trả hết được. Do có nợ gối đầu, ông năn nỉ lắm mới được chủ nợ cho vay tiếp 2 bao gạo. Tài sản gia đình dần “đội nón” ra đi.

Chị Nay H’Chuông - con gái ông Nay Nam, cho biết, gia đình có vay 4 triệu đồng cùng với số tiền nợ bố chị vay để đầu tư vào cây mì, lãi suất hàng năm đã lên đến gần 200 triệu đồng. Không đủ tiền trả, gia đình đành gán khu đất rẫy hơn 4.000m2 và còn bị chủ nợ đến siết thêm 9 con bò.

Cùng từ khoản nợ vay gạo đến mùa trả, gia đình anh Nay Chua (buôn Ơi Múi) cũng bị chủ nợ dắt bò. Túng thiếu, anh đành bán 7 sào đất trồng mì để trả. Vợ chồng anh dắt nhau lên núi ở và khai hoang đất khác để trồng trọt, 3 đứa con nhỏ gửi cho em gái ở nhà chăm sóc. Hiện, hàng ngày căn nhà xiêu vẹo của anh luôn cửa đóng then cài. Cách đó không xa, hộ anh Ksor Phú vay nợ 59 triệu đồng cũng bị chủ nợ đến dắt đi 3 con bò. Do vẫn còn nợ nhưng không có khả năng trả, anh Phú lên ở biệt trên rẫy, đến nỗi chủ nợ phải gửi đơn nhờ xã can thiệp.

Tại xã Chư Drăng (Krông Pa, Gia Lai), chuyện bi hài được nhiều người nhắc đến nhất là ông Kpă Long ở buôn Wôr dắt đàn bò ông Mar Soan đi cấn nợ. Năm 2015, ông Soan thiếu tiền nhưng không biết chỗ vay nên nhờ ông Long dẫn tới nhà bà Q vay tiền, tổng 2 đợt là 61 triệu đồng, lãi 4%/tháng. Đến nay, số tiền cả gốc lẫn lãi đã hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, bà. không đòi nợ ông Soan mà lại đòi nợ ông Long. Sợ bị lấy mất nhà, mất rẫy nên ông Long sang nhà ông Soan dắt đàn bò 9 con đem đi bán lấy 26 triệu đồng để trả nợ. Sự việc được chính quyền biết sự can thiệp, yêu cầu ông Long trả lại bò.

Nhắc đến sự việc, ông Long lắc đầu nói: “Tôi đã chuộc lại bò và trả cho ông Soan, nhưng giờ ngày nào tôi cũng đến nhà ông Soan để đòi nợ. Từ khi gặp phải sự việc này, cả gia đình tôi luôn thấp thỏm vì sợ bị chủ nợ đến lấy nhà, lấy bò. Nghĩ lại mình dại quá, chỉ muốn giúp người ta vay tiền mà mình bị liên lụy”.

Theo ông Ksor Dák - Trưởng thôn buôn Wôr (xã Chư Drăng), cả buôn có 155 hộ thì có trên 100 hộ vay các con buôn. Các hộ ở đây đa số đều có vay ngân hàng, nhưng đã vay rồi mà chưa trả nên không thể vay tiếp, nên đành vay ngoài. Vẫn biết vay như thế này vừa bị lãi suất cao, vừa bị ép giá nông sản, nhưng cần quá cũng phải vay, dẫn đến người nghèo ngày càng nghèo thêm.

Lê Kiến

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tin-dung-den-boc-lot-nong-dan-ngheo-828515.html