Tín dụng đang là 1 trong 7 điểm nghẽn của thị trường bất động sản

là nhận định của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA). Trong đó, đối với đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, sau khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay gần như vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.

Cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS cũng được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường (Ảnh TL)

Theo đánh giá của ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, thị trường BĐS năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định, không có nhiều biến động, thể hiện qua sự ổn định về số lượng giao dịch và giá cả, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị tồn kho của thị trường BĐS còn khoảng gần 23.000 tỷ đồng. Cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS cũng được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, thị trường BĐS trong năm 2018 vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý trong đó nổi bật là tình trạng lệch pha cung cầu. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp (hiện đang chiếm từ 70-80% nhu cầu thị trường). Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đến nay mới chỉ hoàn thành được trên 3,9 triệu m2, mới chỉ đạt được khoảng 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 (12,5 triệu m2).

Nguyên nhân, theo ông Phấn là do việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi. Hiện nay, ngân sách mới chỉ bố trí cho ngân hàng chính sách xã hội 500 tỷ đồng. Số tiền này cũng chỉ để cho hộ gia đình cá nhân vay để mua thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo sửa chữa nhà ở. Còn các chủ đầu tư không có nguồn tài chính ưu đãi.

“Chính vì khó khăn này mà nguồn cung nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Cũng do không có vốn cho vay mà theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện đang có 205 dự án nhà ở xã hội đang bị chậm tiến độ trong đó có nhiều dự án nhà ở xã hội đang được vay gói 30.000 tỷ đồng nay không được vay tiếp dẫn đến đình trệ việc đầu tư xây dựng”, ông Phấn cho biết.

Tín dụng đang là 1 trong 7 điểm nghẽn của thị trường BĐS- theo nhận định của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA). Trong đó, đối với đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, sau khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay gần như vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.

Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được chỉ định thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng chưa được cấp bù chênh lệch lãi suất theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi này.

Đối với DN BĐS, theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, hoạt động kinh doanh BĐS cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Trong thời gian qua, các DN BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cũng rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS năm 2019 sẽ là về tín dụng BĐS. Hiện các ngân hàng đang thu hồi các khoản cho vay BĐS. Đây không chỉ là khó khăn của DN mà còn là khó khăn của người mua nhà. Hiện lãi suất cho vay đã tăng 0,5%/năm và dự kiến sang năm 2019 sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, việc hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS cũng là việc làm cần thiết để thị trường BĐS phát triển ổn định vì thị trường BĐS nóng trong vài năm gần đây, nếu tiếp tục phát triển nóng thì sẽ nguy hiểm cho nền kinh tế...

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 1/1/2019. Ngoài ra, từ đầu tháng 12/2018 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên của tất cả 31 ngân hàng thương mại đều tăng để cơ cấu lại nguồn vốn và để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn tín dụng. Trong đó, có đến 11 ngân hàng có mức lãi suất huy động tiết kiệm từ 8 - 8,6%/năm tác động làm tăng mặt bằng lãi suất cho vay đối với DN, nhà đầu tư và cả người mua nhà.

Nguyễn Mạnh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/bat-dong-san/tin-dung-dang-la-1-trong-7-diem-nghen-cua-thi-truong-bat-dong-san-52638