Tín dụng cho nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu

Chính sách tín dụng cho ngành nông nghiệp được đánh giá đã có nhiều đột phá trong khoảng năm năm qua, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nông dân hiện nay, và việc cho vay vẫn chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp.

Hội thảo hôm 30-10 về tín dụng cho nông nghiệp. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước cung cấp.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN tổ chức hôm 30-10, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Lại Xuân Môn, cho biết thời gian qua Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp.

Thực tế là, các chính sách tín dụng đã có tác động mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, tuy nhiên cần phải đáp ứng hơn nữa nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực này hiện còn thấp so với nhu cầu.

Ngoài ra, tại hội thảo, một số nông dân cũng cho biết hiện họ cần được ngân hàng hỗ trợ vốn dài hạn hơn thay vì chủ yếu ngắn hạn như hiện nay, và chấp nhận nhiều loại tài sản thế chấp hơn. Theo ông Phạm Đình Thắng, nông dân xuất sắc huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), ngân hàng của huyện hiện rất tạo điều kiện nhưng nông dân cần vốn dài hạn.

“Mong các ngân hàng tạo điều kiện để giúp đỡ cho chúng tôi có thể tiếp cận được nguồn vốn phù hợp. Tài sản thế chấp là đất thì phải có bìa đỏ nhưng giá trị đất rất rẻ. Còn nhà xưởng, máy móc giá trị vài tỉ cũng có thể thế chấp để chúng tôi có thể tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, dễ dàng hơn”, theo ông Thắng cho biết.

Theo bà Trịnh Thị Mý (Bắc Ninh), nông dân xuất sắc, cho biết có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi khép kín với khoảng 600 lợn nái và 10.000 lợn thương phẩm, nên bà đề nghị ngân hàng cho thế chấp bằng trang trại để vay vốn.

“Hiện Nghị định 55 đã có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Còn về thế chấp, chúng tôi đã phải sử dụng sáu bìa đỏ, diện tích 4.200m2 và có cả nhà kiên cố mới vay được vốn”, bà Mý nói, và cho biết thêm cần có chính sách cấp bìa đỏ cho trang trại chăn nuôi cách xa trong khu dân cư với thời hạn 50 năm để có thể dùng làm tài sản thế chấp vay vốn.

Cũng tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết vừa rồi có đi nghiên cứu ở 23 tỉnh trên cả nước, và nhận thấy nông dân hiện sản xuất nhỏ lẻ, trung bình có tới 2,7 hộ trên một mảnh ruộng, trung bình chưa tới 2.000 m2, còn ở miền Tây Nam Bộ tương đương 7.000-8.000 m2. Mỗi khi mất mùa, nông dân phải ứng trước sổ đỏ đặt vào ngân hàng.

“Vấn đề ở đây là phải có sự chia sẻ, đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Nếu chỉ đặt vấn đề yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, tiêu chí, điều kiện cho vay thì thực ra không minh bạch, công bằng lắm”, ông Kiên cho biết.

“Tại sao trong sản xuất công nghiệp sẵn sàng cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển giao tài sản ấy cho những chủ sở hữu khác. Tức là ai sử dụng tài sản ấy hiệu quả nhất thì phân công. Tại sao nông nghiệp lại không áp dụng như thế?”.

“Tất nhiên, không thể bỏ qua đặc tính, sở hữu của người nông dân. Các nhà nghiên cứu cần tính toán để hình thành ra ngân hàng đất. Qua nghiên cứu, phần đông ở miền Bắc và miền Tây Nam bộ chỉ còn người già và trẻ con ở khu nông nghiệp. Nên chăng thành lập ngân hàng đất để ngân hàng đất cho các doanh nghiệp thuê lại để sản xuất lớn”, theo ông Kiên.

Theo NHNN, việc đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện gặp một số khó khăn. Đó là, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, quy định về hạn điền trong nông nghiệp thấp. Điều này cản trở đến việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất.

Ngoài ra, vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều khó khăn. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.

Thêm vào đó, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Các hợp tác xã hầu hết có quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ thấp, trình độ nhân lực, tài chính, quản trị, điều hành còn hạn chế và thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi,...) có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm.

Đến cuối tháng 9-2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đạt trên 925.000 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 18% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Bình quân trong năm năm 2010-2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 17,4%/năm (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%). Lãi suất cho vay cũng giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và hiện lãi suất cho vay đối với khu vực này phổ biến ở mức 6,5-8%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường.

Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn 1,53%, thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế. Đối với nông dân vay của ngân hàng Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua Hội Nông dân Việt Nam, nợ quá hạn trung bình 0,32%.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153288/tin-dung-cho-nong-nghiep-chua-dap-ung-duoc-nhu-cau.html/