Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân

Bên cạnh các mô hình trồng keo và chăn nuôi gia súc, gia cầm, những năm gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Sơn Tây đã đồng hành cùng với người dân trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả như bưởi, ổi... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiếp vốn cho người dân trồng cây ăn quả

Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây, chúng tôi đến thăm mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình anh Đinh Văn Linh, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên. Sau 2 năm trồng và chăm sóc, 100 gốc bưởi da xanh nay đã vươn lên xanh tốt. Theo anh Linh, trước đây, trên mảnh vườn này, gia đình anh chỉ trồng vài chục cây cau, để "phát triển tự nhiên" chứ không đầu tư chăm sóc gì, nên đời sống kinh tế khó khăn. Từ ngày trồng cây bưởi da xanh, anh chú tâm chăm sóc, bón phân thường xuyên, nhờ đó cây ra quả rất nhiều.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây, nhiều hộ dân ở xã Sơn Liên có điều kiện đầu tư trồng cây ăn quả.

“Tôi đã vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để trồng bưởi. Đây là lần đầu tiên tôi trồng loại cây này nên rất lo, nhưng khi nhìn thấy những cây bưởi ra trái nhiều, to, tôi đã yên tâm. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, dù 2 năm cây cho quả, nhưng phải hái bỏ để dưỡng cây, sang năm thứ 3 mới dưỡng để thu hoạch. Với giá thu mua theo cam kết 20.000 đồng/kg, vườn bưởi của gia đình tôi đã mang lại lợi nhuận, cũng như không phải lo đầu ra”, anh Linh chia sẻ.

Tương tự, sau nhiều năm trồng mì, keo, năm 2020, anh Đinh Văn Đe, ở xã Sơn Liên vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây chuyển sang trồng ổi. Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi nên sau gần một năm trồng, cây ổi đã bắt đầu ra trái bói, đến dịp Tết sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, vườn ổi nhà anh Đe hứa hẹn một mùa vụ đầy triển vọng.

Tiếp tục đồng hành cùng đồng bào vùng cao

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Võ Thìn cho biết: Huyện Sơn Tây với phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện đã giúp cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện, dành nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện cho vay giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn.

Với 11 chương trình tín dụng đang được thực hiện, năm 2020, huyện Sơn Tây đã giải quyết cho 1.150 lượt hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào Ca Dong vay vốn để chăn nuôi, trồng keo, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn... Nhờ đó đã có nhiều mô hình mới, hiệu quả như trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu... giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo, có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Theo Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây, doanh số cho vay năm 2020 đạt trên 37 tỷ đồng; doanh số thu nợ 26,5 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến cuối tháng 12.2020, ước đạt trên 125,6 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao, tăng gần 11 tỷ đồng so năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng 9,55%.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tây Trần Minh Thứ cho biết: Năm 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhiều đối tượng được vay vốn với nhiều chương trình tín dụng phù hợp, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, sử dụng vốn đúng mục đích, biết tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng vốn có hiệu quả, trả nợ gốc, lãi đúng hạn...

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202012/tin-dung-chinh-sach-dong-hanh-cung-nguoi-dan-3036227/