Tín dụng chạy vào đâu?

Kể chuyện vay tiền mua đất kiếm lời, ông Nguyễn Văn Thuận (Quận 7, TP HCM) cho hay, thấy lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nên đầu năm 2021 ông mượn 2 tỷ đồng ngân hàng để mua miếng đất hơn 3 tỷ đồng ở huyện Nhà Bè. Ông Thuận cho rằng, với giá đất gia tăng cao như hiện nay, sau khi bán và trả nợ ngân hàng ông vẫn dư được một khoản kha khá.

Thực tế thì từ tháng 3/2021 có nhiều ngân hàng hạ mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà. Sacombank giảm lãi suất ưu đãi từ 11,5%/năm xuống còn 9,5%/năm; Ngân hàng Eximbank giảm từ 11%/năm xuống còn 9%/năm; Ngân hàng Shinhan bank giảm lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,7% xuống 6,3%/năm… Nhìn chung, lãi suất vay mua nhà trên thị trường dao động từ 5,99 - 9,5%/năm.

Theo ông Nguyễn Minh Khang, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LGD, người có tiền nhàn rỗi, để dành trong vài năm mua đất nơi sốt giá là rất ít. Còn lại, phần lớn những người mua đất khi sốt là để đầu cơ, mua đi bán lại. Họ sẵn sàng rút sổ tiết kiệm, vay ngân hàng để mua nhưng sau đó nhiều người không bán được dẫn tới nợ nần chồng chất.

Tại thời điểm này 2 kênh hút vốn nhiều nhất là bất động sản và chứng khoán. Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, thực tế người dân đã và đang rút tiền, vay tiền mua nhà, đất, là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sốt đất cục bộ. Hàng chục ngân hàng cho vay lãi suất thấp đã thúc đẩy người dân vay đầu tư bất động sản. Trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng là 2,13% nhưng tín dụng bất động sản lại tăng nhanh hơn mặt bằng chung.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM thi hiện dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản khoảng 350.000 tỷ đồng, chiếm 13,5% trong tổng số dư nợ. Con số này tăng 7,2% so với đầu năm 2020.

Băn khoăn về tình trạng tín dụng đổ vào thị trường bất động sản, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, các ngân hàng phải có cơ chế và chính sách chặt chẽ lường trước những rủi ro trong việc cho vay. Cũng theo vị này, chính sách quản lý cần thống nhất về cơ chế định giá đất theo thị trường. Về lâu về dài nên bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành, giao cho UBND cấp tỉnh quản lý theo mục đích sử dụng đất, từ đó tính các nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng như bồi thường thu hồi đất.

Ngoài ra, phải có cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất một cách công khai minh bạch. Theo giới chuyên gia kinh tế, hoạt động cho vay đầu tư bất động sản của các ngân hàng thương mại cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Cần kiểm soát tín dụng cho vay trong trường hợp sốt ảo. Cơ chế vay thương mại là có 30% nguồn vốn trả thì được vay 70%. Điều kiện vay ngân hàng thuận lợi như hiện nay rất dễ khiến người dân đầu tư lướt sóng nhà đất, rất dễ dẫn đến rủi ro.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-dung-chay-vao-dau-558891.html