Tin cuối cùng về cơn bão số 2, cảnh báo mưa lớn, lũ quét nhiều nơi

Sáng 11/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi thẳng vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng gây mưa lớn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (11/8), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 2) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8, Cô Tô (Quảng Ninh) và Phù Liễn (Hải Phòng) có gió giật cấp 6. Đêm qua (10/8) và sáng nay (11/8), ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa tính từ 19h ngày 10/8 đến 10h ngày 11/8) có nơi trên 180mm như: Hương Sơn (Hà Nội) 218mm, Phong Phú (Hòa Bình) 209.4mm, Ân Thi (Hưng Yên) 204.8mm, Tân Lạc (Hòa Bình) 201.2mm, Ba Sao (Hà Nam) 189.2mm,...

Hồi 10h ngày 11/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.
Cảnh báo mưa lớn: từ ngày 11/8 đến ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Dự báo thời tiết khu vực Hà Nội ngày và đêm 11/8, có mưa to kèm gió giật mạnh với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 120mm.

Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi trong bản tin dự báo mưa lớn tiếp theo.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên nhiều nơi có mưa rất to. Ảnh: TTKTTVQG.

Tại báo cáo trực ban phòng chống thiên tai (PCTT) sáng ngày 11/8 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết:

Đế ứng phó với bão số 2 và hoàn lưu sau bão, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố có ảnh hưởng của bão đã hoàn thành các phương ứng phó. Tàu cá, tàu du lịch, khách di lịch, người lao động trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã sơ tán và di dời vào nơi neo đậu an toàn; các công trình đều đã đắp đến cao trình thiết kế, đang thi công các hạng mục phụ trợ bảo đảm an toàn; các hồ thủy điện vận hành bình thường và phát điện theo kế hoạch; các địa phương và chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.

Theo dự báo mưa lớn làm tăng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt cục bộ tại vùng trũng thấp tại các tỉnh khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh.

Có 114.895 người ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An. Trong đó (Cao Bằng 3.219, Lạng Sơn 8.632, Thái Nguyên 279, Bắc Kạn 7.552, Hà Giang 315, Tuyên Quang 375, Lai Châu 9.580, Điện Biên 13.300, Sơn La 9.690, Hòa Bình 16.010, Phú Thọ 12.225, Thanh Hóa 33.718).

2.362 điểm vị trí giao thông có nguy cơ sạt lở, ngập lụt: (Cao Bằng 36, Lạng Sơn 67, Quảng Ninh 131, Thái Nguyên 130, Bắc Kạn 150, Bắc Giang 39, Hà Giang 104, Tuyên Quang 327, Lào Cai 700, Yên Bái 57, Lai Châu 200, Điện Biên 170, Sơn La 72, Hòa Bình 57, Phú Thọ 23, Thanh Hóa 15, Nghệ An 84).

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT chỉ đạo tiếp tục triển khai một số nội dung sau:

Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn ở các vùng biển đảo.

Đối với vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ và miền núi phía Bắc cần theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn; rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt; triển khai phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông; kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến gió mùa Tây Nam, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gió mùa Tây Nam và khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo độ tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Các bộ, ngành liên quan chủ động biện pháo ứng phó sau bão.

Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-cuoi-cung-ve-con-bao-so-2-canh-bao-mua-lon-lu-quet-nhieu-noi-a564187.html