Tìm vốn đầu tư 3.800 km đường cao tốc, doanh nghiệp đề xuất phát hành trái phiếu

Mục tiêu xây dựng 3.800 km đường cao tốc trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách không dồi dào và nguồn tín dụng ngày càng khó khăn, đặt ra cho các nhà đầu tư phải tìm ra một giải pháp mới huy động vốn…

Ảnh minh họa

Trong 20 năm qua, Việt Nam mới làm được gần 1.200 km đường cao tốc. Điều này có nghĩa rằng, để hoàn thành mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc, trong giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), Việt Nam cần phải hoàn thành hơn 3.800 km đường bộ cao tốc mới.

MÔ HÌNH “3 CHỮ P” MỚI

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn, việc huy động các nguồn lực khác ở trong và ngoài nước là rất cần thiết. “Theo đó, vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách không dồi dào, nguồn tín dụng ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp hà tầng giao thông vận tải cho rằng cần phải tìm ra một giải pháp mới để huy động vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông.

“Ở thời điểm này, cần phải có cách nhìn mới về “3 chữ P” trong hợp đồng PPP”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nêu quan điểm. Theo đó, 3 chữ “P” gồm: “P - vốn ngân sách”, “P - vốn chủ sở hữu nhà đầu tư” và “P - vốn huy động khác thông qua phát hành trái phiếu”.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ PPP (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng: đây là một giải pháp mở ra lối đi cho các nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Nhất là trên thực tế, việc đa dạng các phương thức huy động vốn khác nhau trong các dự án có nhu cầu vốn lớn, khó khăn tín dụng và vướng mắc pháp lý… như dự án Hầm Đèo Cả, Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận… đã mở ra những cách làm mới phù hợp với bối cảnh hiện tại. Trong đó, các dự báo về nhu cầu tài chính, chính sách… cho các dự án phải được nhà đầu tư làm rõ với mục tiêu công-tư công bằng, đồng hành tới khi hoàn thành dự án.

Vụ phó Vụ PPP cho rằng, trước đây Nghị định 15 và Nghị định 63 hướng dẫn đầu tư theo hình thức PPP chỉ bó hẹp trong việc vay vốn các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nguồn tín dụng ngày càng khó khăn.

“Theo Luật PPP mới ban hành, ngoài việc vay vốn tổ chức tín dụng thì huy động vốn qua các tổ chức hay cá nhân hợp pháp đều đảm bảo. Tôi cho rằng đây là hướng đi phù hợp với bối cảnh nguồn ngân sách không dồi dào ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cần phát triển hạ tầng đi trước một bước”, ông Huy nói.

LUẬT HÓA HÌNH THỨC HUY ĐỘNG VỐN NGOÀI TÍN DỤNG

Để huy động nguồn vốn ngoài hình thức tín dụng, Luật PPP và Nghị định 28 của Chính phủ đã ban hành hướng dẫn huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp và điều 6, Nghị định 28 hướng dẫn các thủ tục, các bước cần thiết để doanh nghiệp PPP phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án PPP (thông qua hình thức hợp vốn BOT) không giống như các dự án bất động sản hay những dự án phát triển khác. Trong những năm đầu hoàn vốn dự án BOT, dòng tiền khá khó khăn do lưu lượng xe chưa cao và phải ưu tiên trả lãi và trả gốc cho ngân hàng.

Cùng với đó, việc điều chỉnh chính sách thuế chậm, hạch toán chi phí lãi vay tại các dự án BOT kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và việc kinh doanh. Theo đó, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu của doanh nghiệp hạ tầng sẽ giảm sút khi nhìn vào báo cáo tài chính.

“Vì vậy, để Luật PPP đi vào cuộc sống, cần xác định rõ doanh nghiệp dự án PPP (BOT) khác với doanh nghiệp kinh doanh bình thường. Phương án tài chính tại dự án PPP phải tính toán cơ cấu lãi vay theo vòng đời của dự án, làm sao thể hiện đúng bản chất là một doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận đúng như thực tế từ một dự án tài chính hiệu quả. Tôi cho rằng cần tháo gỡ các bất cập chính sách thuế hiện nay ở khâu phân bổ lãi vay, để thể hiện đúng bản chất về hiệu quả kinh tế của dự án”, ông Huy nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng khó khăn lớn nhất của các dự án PPP là vốn huy động. Nhưng nếu cứ mặc định là tín dụng mà không khai thông được nguồn vốn ngoài tín dụng là hoàn toàn không khả thi bởi thực tế trong 5 năm qua, không có dự án PPP nào được triển khai.

“5/8 dự án PPP không có nhà đầu tư đều do không có ngân hàng nào cấp tín dụng. Và nếu cứ đưa điều kiện vốn huy động phải là tín dụng của ngân hàng thì cả 3 dự án đã ký hợp đồng sẽ bị vô hiệu vì khả năng ký được hợp đồng tín dụng trong thời gian tới là không nhiều hy vọng”, ông Chủng nói.

Vì vậy, ông Chủng cho rằng sáng kiến huy động vốn “3 chữ P” hiện nay là khả thi và cơ quan quản lý có thể cân nhắc nghiên cứu luật hóa hình thức này.

“Vấn đề tiếp theo là cần làm rõ phương pháp, cách thức hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay các dự án PPP để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đang bị vướng mắc kéo dài chưa được giải quyết”, ông Chủng nhấn mạnh.

Khánh Vy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tim-von-dau-tu-3-800-km-duong-cao-toc-doanh-nghiep-de-xuat-phat-hanh-trai-phieu.htm