Tìm vị trí cho hàng Việt

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến gần, doanh nghiệp đang gấp rút sản xuất để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Nhiều quan sát trên thị trường cho thấy nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt hơn. Vậy làm sao để hàng Việt khẳng định mình trong những thời cơ vàng. Báo Đại Đoàn Kết lược ghi ý kiến từ đại diện một số doanh nghiệp về vấn đề này.

Bà Trần Thị Phương Lan - phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội:
Việc đảm bảo nguồn hàng hóa cho việc phục vụ Tết luôn được quan tâm. Ngay từ tháng 6, thành phố đã ban hành kế hoạch từ tháng 6/2017 đến tháng 4/2018, để triển khai kế hoạch phục vụ Tết cho người dân. Việc chuẩn bị các nhóm hàng thiết yếu và nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dip Tết như: bánh kẹo, bia rượu nước giải khát...đã được thực hiện, do đó, Sở có kế hoạch dự trữ các nguồn hàng của các nhóm hàng này. Năm nay, số tiền để dự trữ nguồn hàng lên tới 26.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.

Sở Công thương cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra trong dịp Tết và yêu cầu các xã huyện xây dựng kế hoạch phục vụ. Cho đến giờ phút này, các doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất lượng hàng lớn để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân trong dịp Tết. Thành phố cũng tổ chức hội chợ kết nối cung cầu, để đưa các sản phẩm từ thành phố về các tỉnh thành, chuyển các mặt hàng đặc sản của các tỉnh thành về Hà Nội. Đồng thời, Sở cũng tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, giám sát để người dân yên tâm vào các mặt hàng cung ứng cho thị trường.

Thành phố cũng quan tâm đến việc phục vụ người dân ở ngoại thành, phục vụ các huyện vùng sâu, vùng xa. Dự kiến sẽ có hơn 200 các chuyến hàng phục vụ các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) đã tự tổ chức mạng lưới phân phối cho người dân.

Thành phố cũng tăng cường kiểm tra hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tích cực đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về các vùng nông thôn, có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất cho nhu cầu của người dân trong dip Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Ông Lưu Hải Minh - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải:
Chúng tôi là công ty khởi nghiệp từ IT đến năm 2009 mới chuyển sang công nghệ nano và sinh học ra những sản phẩm. Thời gian ban đầu gặp khó khăn về vốn và tiếp cận chính sách. Trước đó, công ty có 2 chứng nhận nano chuyên về sơn kháng khuẩn, phản quang diệt 99% vi khuẩn và có kiểm định bên Bộ Xây dựng tuy nhiên sản phẩm đầu tiên không bán được. Sản phẩm thứ 2 là nano cho sức khỏe, chữa các bệnh dạ dày, men gan cao, điều trị ung thư bán rất chạy ở Việt Nam, Đức, Mỹ.

Theo tôi để khẳng định được sản phẩm Việt, người Việt Nam phải cố gắng làm ra sản phẩm tốt cho chính người Việt Nam. Ngoài ra theo tôi, các DN nhỏ và vừa không nên sợ hãi mà cần đặt vị thế của mình như các DN nước ngoài. Khi chúng ta làm ra sản phẩm thì cần phải xác định mặt hàng của mình không chỉ bán cho người Việt Nam mà còn có thể bán cho 6 tỷ người dùng trên thế giới.

Bên cạnh đó chúng ta cần bảo vệ sản xuất tại Việt Nam, những thương hiệu tốt, sảm phẩm tốt, khi người Việt tin dùng tức là thế giới tin dùng và chất lượng là tối quan trọng đối với các doanh nghiệp VN. Các DN cũng cần tập trung phát triển công nghệ và được tạo cơ hội trong việc chuyển giao tài sản trí tuệ từ nhà khoa học, nghiên cứu từ trong các trường đại học để áp dụng vào sản xuất.

Thời gian qua, Hiệp hội DNNVV Hà Nội thường xuyên tuyên truyền để DN tự bảo vệ chính mình, sản phẩm làm ra phải có nhận diện, có tem mác. Hiện nay, những sản phẩm về bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm… đã dùng phần mềm để kiểm tra xuất xứ, kiểm tra mã vạch để đảm bảo sản phẩm đó chính hàng.

Với những sản phẩm chưa sử dụng biện pháp trên thì có thể dùng mã vạch đó tích hợp với đơn vị làm dịch vụ cho mã vạch. Tuy nhiên, điều quan là doanh nghiệp phải truyền thông, DN phải có website để đưa thông tin chính thức lên website của mình nhưng nhiều DN lại không muốn đưa thông tin của DN và sản phẩm lên website, có thể do trình độ IT kém hoặc DN không quan tâm. Chỉ khi hàng nhái, hàng giả hàng của mình xuất hiện thì mới nghĩ đến việc chống, điều này là không ổn mà DN phải phòng trước khi chống.

Bà Lê Thanh Hiếu - Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội:
Để hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam cần phải đảm bảo các tiêu chí sau: Nâng cao chất lượng hàng hóa; Đảm bảo yêu cầu an toàn như an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng ổn định, đáng tin cậy; Tăng cường mẫu mã sản phẩm; Maketting giới thiệu sản phẩm ra thị trường…

Về vấn đề làm thế nào thúc đẩy những khâu sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, DN cần xác định được KHCN phải là then chốt, lãnh đạo DN cần phải đầu tư cho công nghệ. “Chúng tôi thấy rằng nhà quản lý đóng vai trò cầu nối, “bà đỡ” giữa DN và các nhà khoa học. Chúng tôi tự hào là đã kết nối được các DN trong đó các DN như Nhật Hải với các nhà khoa học để áp dụng tốt KHCN vào việc sản xuất sản phẩm. Ví dụ như công ty Nhật Hải khi áp dụng KHCN đã có những sản phẩm tốt như sản phẩm nano cocumin từ nghệ, tỏi đen…”

Bây giờ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều hướng tới sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Những nguyên liệu sản phẩm đó Việt Nam có sẵn, nhưng nếu chỉ trồng mà không biết biến thành những sản phẩm có năng suất cao hay đi xuất khẩu thì sẽ lãng phí.

Bà Nguyễn Thị Đông - Tổng giám đốc công ty cổ phần Hoa Lan
Từ năm 2009, DN bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản. Sau đó, DN được vận động đưa hàng phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Mặc dù xác định việc phục vụ người tiêu dùng Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của DN, nhưng khi thực hiện, DN gặp không ít khó khăn. Cụ thể, cùng một sản phẩm hóa mỹ phẩm thiên nhiên, tại thị trường Nhật Bản có giá hơn 30 USD, trong khi giá bán tại thị trường Việt Nam chỉ 15.000 đồng/bánh xà phòng.

Bán cho người tiêu dùng trong nước là chủ yếu là nông dân, giá cao không bán được. Chúng tôi tham gia các hội chợ rất tích cực nhưng đều bị lỗ. Chưa kể, DN đặt nông dân sản xuất nguyên liệu, cung cấp giống, phân bón, tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, nhưng đến khi thu hoạch, người nông dân “lật kèo”, bán cho DN nào trả giá cao hơn nên DN chịu thiệt.

Tại thị trường trong nước, DN còn phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, công ty CP Hoa Lan mong muốn được hỗ trợ giải quyết khó khăn để đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng Việt Nam hơn.

Thúy Hằng (lược ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/tim-vi-tri-cho-hang-viet-tintuc389123