Tìm về vương quốc chuồn chuồn tre, nơi níu giữ ký ức tuổi thơ

Những chú chuồn chuồn tre đầy màu sắc được làm bởi đôi bàn tay nghệ nhân Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành món đồ chơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người.

Từ bao lâu nay, những cánh chuồn chuồn tre đủ màu sắc đã đi vào ký ức của nhiều người như một phần không thể thiếu của tuổi thơ. Bẵng đi một thời gian dài, nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi giờ đây ít được nhìn thấy hình ảnh những chú chuồn chuồn tre ở trên phố phường Hà Nội.

Từ bao lâu nay, những cánh chuồn chuồn tre đủ màu sắc đã đi vào ký ức của nhiều người như một phần không thể thiếu của tuổi thơ. Bẵng đi một thời gian dài, nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi giờ đây ít được nhìn thấy hình ảnh những chú chuồn chuồn tre ở trên phố phường Hà Nội.

Tìm về làng Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội, nơi đây được coi là thủ phủ, vương quốc sản sinh ra hàng triệu cánh chuồn chuồn tre. Những thợ lành nghề ở đây cho biết, để biến từ những thanh tre thành những con chuồn chuồn tre, đòi hỏi người thợ trải qua hơn 10 công đoạn khác nhau. Bước đầu tiên là phải chọn được những thân tre bánh tẻ - loại tre ở tận vùng núi Tây Bắc, không quá già cũng không quá non. Những thân tre ưng ý sẽ được cạo bỏ lớp xanh bóng và phơi khô, sau đó mới được chẻ ra thành từng đốt để làm chuồn chuồn.

Bước thứ hai người thợ làm chính là chặt tre để tạo thân chuồn chuồn, sau đó khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vuốt đuôi, và hơ mỏ để tạo hình cong của đầu chuồn chuồn

Bước tiếp theo là vót cánh, mài đầu và lắp ghép thành 1 con chuồn chuồn mộc. Đây là bước làm khó nhất, đòi hỏi bàn tay khéo léo của người thợ, nếu làm không chuẩn thì chuồn chuồn sẽ không thăng bằng được.

Những chú chuồn chuồn mộc được kiểm tra cẩn thận trước khi đi vào công đoạn kế tiếp. Bí mật cho việc chuồn chuồn tre có thể thăng bằng được đó là phần nặng 2 cánh được làm dồn về phía trước, phần đuôi sẽ cân bằng và tất cả trọng tâm sẽ được cân bằng ở phần mũi của chuồn chuồn. Nếu làm chuẩn thì các chú chuồn chuồn có thể thăng bằng ở trên mọi vật thể, thậm chí là trên ngón tay.

Để tạo thêm sự đẹp mắt, hấp dẫn, những con chuồn chuồn được sơn và trang trí lên rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau.

Điều đặc biệt là các hoa văn, họa tiết đều được những người thợ tại địa phương tự sáng tạo ra, do đó chuồn chuồn tại Thạch Xá luôn có sự thu hút, hấp dẫn riêng biệt.

Có rất nhiều loại kích cỡ chuồn chuồn tre khác nhau, loại nhỏ nhất dài 7cm, lớn là 15cm, nhưng được đặt hàng và bán chạy nhất là chuồn chuồn dài 10cm.

Ở nơi sinh ra thứ đồ chơi gần gũi này, những người thợ từ già đến trẻ vẫn ngày ngày miệt mài, chuyên tâm tạo ra những cánh chuồn sinh động. Chuồn chuồn tre được hoàn thiện qua đôi bàn tay của nhiều thế hệ.

Đối với trẻ em nông thôn vùng Thạch Xá, chuồn chuồn tre vẫn gắn liền với tuổi thơ. Còn với trẻ em thành phố thì chuồn chuồn tre như chiếc cầu nối giúp con trẻ thêm hiểu về một thú chơi giản dị từ thời ông bà.

Giờ đây, không chỉ có chuồn chuồn tre, người làng Thạch Xá còn sáng tạo thêm những cánh bướm tre nhiều màu sắc.

Nếu trước kia các hộ gia đình làm chuồn chuồn tại xã Thạch Xá phải tự đi tìm đầu ra để giao bán, thì giờ đây, sau hơn 30 năm phát triển đã có rất nhiều cơ sở thu mua đến đạt hàng lên tới hàng trăm nghìn con chuồn chuồn.

Không chỉ được giao bán tại các lễ hội truyền thống hay nhiều cửa hàng lưu niệm, hiện nay chuồn chuồn tre tại xã Thạch Xá còn được xuất sang các thị trường nước ngoài lớn như Mỹ, Nhật Bản, Pháp… Nhờ đó, mà nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam được thể hiện trên những con chuồn chuồn tre một lần nữa được bạn bè quốc tế biết đến.

Nhờ sự cân bằng của đôi cánh mà những con chuồn chuồn có thể tự đậu trên nhiều mỏ nhọn hay đầu ngón tay mà không sợ đổ.

Lớn lên, người ta có thể vì nhịp sống gấp gáp mà quên đi nhiều thứ. Nhưng khi được nhìn thấy những cánh chuồn chuồn tre đậu trên tay, hẳn ai cũng sẽ chợt nhớ về một tuổi thơ nhiều kỷ niệm.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tim-ve-vuong-quoc-chuon-chuon-tre-noi-niu-giu-ky-uc-tuoi-tho-174360.html