Tìm về với quê hương

Khi đất trời miền Trung vẫn mưa tầm tã, những ngôi làng, những người dân ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… bị cô lập giữa biển nước mênh mông thì các dòng tin về họ khiến không ít người xa quê nhói lòng. Nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ, sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đồng hành cùng quê hương.

Phương Trang và các bạn trẻ đang sắp xếp áo mới gửi về miền Trung

Phương Trang và các bạn trẻ đang sắp xếp áo mới gửi về miền Trung

Hết mình vì bà con

“Em gom hết các loại áo những mã này ở các shop của mình nhé, chuyển toàn bộ về cho bà con miền Trung”.

“Hở? Cho hết luôn hả chị?”.

“Ừa, gửi hết luôn. Giờ bà con mình ngoài đó thiếu thốn trăm bề”.

Đoạn nói chuyện ngắn của bạn Nguyễn Thị Phương Trang (32 tuổi, chủ thương hiệu Thời trang Miều, quận 3, TPHCM) và quản lý kho là bạn Thành Chí khiến không ít khách hàng đang mua sắm ngạc nhiên.

Sinh ra và lớn lên tại Huế, rồi đi học và lập nghiệp tại TPHCM 13 năm nay, nghe tin bão lũ quê nhà, cũng như bao người, Phương Trang đã hướng về miền quê. “Mấy bữa nay coi tin tức lũ lụt rồi siêu bão, thấy người dân thiếu thốn đủ thứ, tài sản, đồ đạc, áo quần trong nhà trôi hết. Nhiều người áo quần không đủ ấm, nhìn rất thương. Đó cũng là lý do mình muốn dành tặng những chiếc áo mới cho người dân quê mình và cả Quảng Bình, Quảng Trị”, Phương Trang nói.

Sau khi gom hết các cửa hàng được hơn 3.000 áo mới, Phương Trang và chồng là anh Hoàng Thế Phiệt vẫn cảm thấy như “muối bỏ biển” nên tìm cách tăng số lượng. Vậy là, trong kho có bao nhiêu vải, cô bạn bàn với người phụ trách xưởng đem ra may hết, số lượng lên tới khoảng 20.000 chiếc áo mới, sao cho bà con lúc nhận áo ai cũng có thể sử dụng được, có đủ áo nam, áo nữ, áo ấm, áo hoodie cho trẻ em… Nếu quy ra số tiền áo bán ở các cửa hàng là khoảng 5 tỷ đồng. Cô bạn cho rằng, trong 7 năm theo nghề may, kinh doanh, bây giờ chính là lúc cảm thấy làm điều đúng đắn, ý nghĩa nhất.

“Anh chị nhân công ở các xưởng nghe nói may tặng bà con miền Trung, ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ trong 7 ngày, 50 nhân công đã may liên tục thêm mười mấy ngàn chiếc áo cho bà con”, Phương Trang kể.

Trước đó, trong đợt đầu tiên bão lụt ở Huế, Trang đã gửi 200 phần quà, mỗi phần gồm 10kg gạo, các nhu yếu phẩm và thông qua hệ thống chính quyền cơ sở phát cho hộ nghèo, người già neo đơn tại xã Thủy Vân (huyện Hương Thủy) và xã Phú Hồ (huyện Phú Vang).

Đau đáu về quê nhà

“Mọi người ơi, gạo, nước, nhu yếu phẩm, bánh sữa, đèn pin, áo quần mà mọi người chung tay ủng hộ đã đến tay bà con bản rồi! Ở đây hiền lắm, có anh trưởng thôn tự cắt phần của mình và người nhà để nhường cho bà con, có cái gật đầu cảm ơn của bà cụ mang theo em nhỏ trên lưng, có bé gái hai mắt tròn xoe vui với bánh sữa cùng áo quần mới. Bà con ở đây và rất nhiều bản khác đều bị hư hại hoa màu nhà cửa, đường sá sạt lở, và chưa biết làm gì tiếp để ăn…”. Đó là lời chia sẻ của Nguyễn Đạo Nhất Đan (27 tuổi, họa sĩ, quê Quảng Trị) từ thôn Ruộng, Hướng Hóa. Đan đã thực hiện chuyến đi đầu tiên trong hành trình truyền yêu thương từ xa xôi đến Quảng Trị. Trước đó, Đan luôn tích cực kêu gọi đóng góp để hỗ trợ người dân với 1 tấn gạo, 100 phần nhu yếu phẩm, hơn 1.000 phần bánh, đèn pin…

“Còn ai không? Đồng đội ơi/Còn ai không? Đồng đội ơi…”, lời gọi xé lòng của những người đi tìm kiếm đồng đội bị mất tích tại Rào Trăng 3, đã khiến anh Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên - Đoàn luật sư TPHCM, luôn đau đáu. “Hình ảnh người già, trẻ con lật từng viên ngói, với từng bàn tay để tìm kiếm sự giúp đỡ của một ai đó trong lúc nguy cấp, với một người con sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình như tôi sao mà xót xa thế”, anh Bắc nói.

Thương về vùng quê mùa mưa bão, anh và những người bạn lập nên quỹ cứu trợ khẩn cấp, tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ ngày 18-10. Lời kêu gọi đã nhận được không ít sự chung tay giúp đỡ của các mạnh thường quân, từ doanh nghiệp cho đến bạn bè, đồng nghiệp. Anh Bắc cho biết, dự kiến ngày 30-10 nhóm sẽ thực hiện hành trình mang tên “Khúc ruột miền Trung” từ TPHCM đến các điểm hỗ trợ tại tỉnh Quảng Bình.

“Chúng tôi sẽ trao các vật phẩm cần thiết đến bà con vùng lũ, cũng như hỗ trợ một phần chi phí để bà con khắc phục và kiến tạo lại cuộc sống sau thiên tai. Tôi tin rằng sự giúp đỡ này sẽ giúp bà con vơi bớt một phần những mất mát đã qua và góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống của bà con”, anh Bắc chia sẻ.

Khi cơn lũ trước vừa đi qua, nước chưa rút hết, mưa còn chưa ngớt, thì thông tin cơn bão số 9 quá mạnh, ùa về khiến ai cũng lo lắng. Nhưng chắc chắn một điều là bà con miền Trung sẽ không cô đơn, bởi những kiện hàng cứu trợ từ khắp nẻo đường đất nước, từ nhiều tấm lòng bạn trẻ vẫn đang hướng về với đồng bào.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tim-ve-voi-que-huong-694194.html