Tìm về 'nguồn cội' qua 4 Bảo vật quốc gia của tỉnh Nam Định

Bảo tàng tỉnh Nam Định vinh dự là nơi lưu giữ 4 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia gồm: Tượng Phật thời Lý (thế kỷ XII) lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, Ý Yên; Thành bậc lan can thời Lý (thế kỷ XII), Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc (thế kỷ XVI).

Bảo tàng tỉnh Nam Định nơi lưu giữ 4 bảo vật quốc gia

Bảo tàng tỉnh Nam Định nơi lưu giữ 4 bảo vật quốc gia

Thành bậc lan can thời Lý và tượng Phật là hai bảo vật được tìm thấy tại khu vực tháp Chương Sơn xưa, nay là quần thể Di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên. Đây cũng là xã duy nhất trong cả nước có hai bảo vật thời Lý, góp phần quan trọng vào việc nhận diện về một quần thể di tích Phật giáo quy mô vào thế kỷ XII của Đại Việt.

Thành bậc lan can thời Lý

Thành bậc là hiện vật gốc độc bản có niên đại thời Lý duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Bảo vật này không chỉ có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa mà còn là cơ sở để chúng ta hình dung được quy mô to lớn của tháp Chương Sơn, từ đó nghiên cứu và phục dựng lại kiến trúc của Bảo tháp thời Lý. Đặc biệt qua các đề tài hoa văn trang trí, nhất là hình tượng người được thể hiện trên bảo vật đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ, về trang phụ, trang sức, nghề thủ công chạm khắc truyền thống; đồng thời còn phản ánh mối quan hệ, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hóa lớn như Chăm Pa, Trung Quốc và Ấn Độ trong lịch sử.

Thành bậc lan can thời Lý

Thành bậc lan can hay còn gọi là tay vịn thành bậc có dáng hình hộp, dài 205cm, cao 46cm, dày 17cm, 1 đầu vuông, một đầu chéo nhọn lên trên, chia làm hai phần: Phần trên 2 mặt chạm nổi hình 14 vũ nữ (mỗi bên 7 vũ nữ) trong tư thế múa dâng hoa, thân hình chia làm 3 khúc chao mạnh về phía trước, một chân co, một chân duỗi thẳng. Đầu các vũ nữ ngả hẳn về phía sau, đội mũ nhiều tầng trang trí hoa văn, búi tóc bồng nổi cao. Hiện vật được tìm thấy trong đợt khai quật phế tích Bảo tháp Vạn Phong Thành thiện trên núi Ngô Xá năm 1966-1967. Đây là cấu kiện ghép ở hai bên bậc cầu thang lên xuống.

Tượng Phật A Di Đà thời Lý

Tượng Phật A Di Đà được thờ tại chùa Ngô Xá (tên chữ là “Phi Lai tự”), thôn Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tượng còn nguyên vẹn, cao tổng thể 200 cm. Được làm bằng đá nguyên khối, màu xám, thô ráp (đá cát), gồm hai phần: Tượng và bệ tượng. Tượng Phật cao 92 cm, rộng 72 cm, đường kính bệ sen 76 cm; được tạc bằng đá nguyên khối, sơn thếp vàng, ngồi trong tư thế thiền định, hai đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước.

Bệ tượng cao 108 cm, gồm 2 phần: Phần thứ nhất là đài sen dùng để đặt tượng. Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Phần thứ 2 là chân bệ, mặt hình bát giác, khối hình chóp cụt, gồm 2 bộ phận ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to xen một mặt nhỏ, mặt đứng chạm đôi rồng đuổi nhau, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế bằng, thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước.

Đây là một trong hai pho tượng Phật thời Lý bằng đá còn nguyên vẹn của Việt Nam tính đến nay, không chỉ có giá trị đặc biệt về nghệ thuật chạm khắc thời Lý mà còn là minh chứng đặc biệt để nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, vị thế của Bảo tháp Chương Sơn trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam thời Lý.

Đồng thời cũng là cơ sở để nghiên cứu, đối chiếu, so sánh giữa nền mỹ thuật thời Lý với các giai đoạn trước và sau đó. Tượng Phật A Di Đà cùng với Thành bậc lan can và hàng ngàn hiện vật khác bằng đá tìm thấy năm 1966-1967 tại núi Ngô Xá, khu quần thể di tích Đình - Chùa Ngô Xá là minh chứng cho một vùng địa linh, còn lưu giữ bao giá trị lịch sử văn hóa.

Mô hình nhà kiến trúc đất nung thời Trần

Mô hình nhà thời Trần được làm bằng đất nung, có niên đại vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Đây là tài sản quý giá không chỉ đối với tỉnh Nam Định mà còn là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mô hình gồm 14 mảnh ghép tạo thành bố cục kiến trúc “nội công ngoại quốc”, có kích thước hình chữ nhật dài 100cm, rộng 95cm. Do người dân đào được tại khu lăng Chiếng, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định năm 1973.

Mô hình nhà kiến trúc đất nung thời Trần trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Nam Định

Đây là mô hình nhà nguyên gốc, được chế tác hoàn toàn bằng thủ công. Điểm độc bản ở đây ngoài việc nguyên vẹn về hình dáng, có nguồn gốc rõ ràng thì các chi tiết kiến trúc cột, trụ, xà, đấu, vì kèo…được trang trí tỉ mỉ, thiết kế tinh xảo với nhiều hoa văn chủ đạo như lá đề, hoa cúc, hình rồng mà không một mô hình nhà nào ở Việt Nam có được.

Qua mô hình bước đầu giúp chúng ta hiểu thêm về kiến trúc thời Trần (có thể là kiến trúc dinh thự hoặc tôn giáo), cũng như phong cách trang trí, mỹ thuật thời Trần. Mặt khác cũng làm sang tỏ sự giao thoa văn hóa với Trung Quốc qua việc lợp ngói ống (ngói cánh sen đơn và kép thì thuần Việt, ngói ống là của phương Bắc).

Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc

Bộ chân đèn và lư hương lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, được làm bằng gốm men, sưu tầm tại Đình Cự Trữ và chùa Cổ Chất xã Trực Phương, huyện Trực Ninh. Chân đèn cao 76cm, dáng thon cao, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn nhỏ cao, miệng loe, hai bên đắp 2 tai hình rồng có cánh để mộc chạy dọc cổ, đầu hướng xuống dưới.

Phần trang trí nổi không men gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị 4 cánh, lá đề, rồng trong cánh sen, chữ Hán “Phật” và hoa văn hình học; kết hợp vẽ lam đề tài rồng, phượng. Thân đèn có vai ngang, thân nở, eo thon, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình một con rồng không men, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm theo chiều dọc với nội dung “Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo” được chế tạo ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590).

Lư hương cao 40,4cm, gồm 2 phần chồng lên nhau. Phần trên giống một bát hương độc lập có miệng bằng loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú uốn cong ra ngoài. Trang trí đắp nổi kết hợp vẽ lam các loại hoa văn hoa cúc, hoa chanh, hoa sen, lá đề, rồng trong ô, lân, ngựa có cánh, mặt hổ phù, mây và hoa văn hình học.

Ông NGuyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định

Phần đế giống chiếc hồ lô trong đó thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe tô son nâu. Ngoài phần trang trí nổi không men hình rồng trong ô, trên chân lư hương còn khắc chìm 27 dòng chữ Hán cho biết người chế tạo lư hương là Đỗ Xuân Vi, xã Bát Tràng chế tạo vào ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590) và tên các tín đồ cúng lư hương vào chùa Thanh Quang.

Giám Đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Thư cho biết, bên cạnh việc cải tiến và nâng cao chất lượng trưng bày, Bảo tàng còn xây dựng các nội dung thuyết minh với chuyên đề chuyên sâu, nhằm giới thiệu kỹ lưỡng hơn về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Việt cổ thông qua bộ sưu tập hiện vật, qua đó giáo dục về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Công Thành

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xua-va-nay/tim-ve-nguon-coi-qua-4-bao-vat-quoc-gia-cua-tinh-nam-dinh-496957.html