'Tìm vàng' trong trại sáng tác điêu khắc quân đội lần thứ nhất

Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam vừa tổ chức trại sáng tác điêu khắc đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT&CTCM) lần thứ nhất.

Sự kiện này được cộng đồng các nhà điêu khắc đánh giá là đã “gãi đúng chỗ ngứa” bởi thực tế nhiều năm qua, hoạt động điêu khắc tương đối “trầm”, nhất là về đề tài quân đội.

Dành "đất" chờ tác phẩm

Nói đến nghệ thuật điêu khắc, người ta thường hình dung ngay đến những tác phẩm “hoành tráng”, như: Tượng đài, tượng vườn hay phù điêu. Song thực tế đời sống mỹ thuật hiện nay, điêu khắc được các nghệ sĩ thể hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Không chỉ nhóm tượng, nhóm vật thể mà còn cả những hình thức tác động thị giác của nghệ thuật đương đại, như: Trình diễn, sắp đặt, video art… Các trại sáng tác điêu khắc được tổ chức khá nhiều và cũng có không ít tác phẩm “đứng” được trong lòng công chúng. Tuy vậy, trong không khí háo hức tìm tòi trải nghiệm những cái mới ấy lại thiếu vắng những tác phẩm về quân đội.

Theo thống kê của Hội Mỹ thuật Việt Nam, các tác phẩm mỹ thuật về đề tài LLVT&CTCM đang giảm dần trong mấy năm gần đây, thường chỉ chiếm từ 3% đến 5% trong tổng số tác phẩm dự các cuộc triển lãm. Đặc biệt, ở chuyên ngành điêu khắc thì tác phẩm đề tài này lại càng hiếm. Trong 5 năm qua, các nghệ sĩ được Bộ Quốc phòng tạo điều kiện đi thâm nhập thực tế tại các đơn vị quân đội, hoặc được mời dự các trại sáng tác cũng đóng góp được một số tác phẩm. Nhưng như vậy vẫn là quá ít.

 Tác phẩm "Ký ức Cửa Việt, Quảng Trị" của nhà điêu khắc Kù Kao Khải trưng bày tại triển lãm mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, năm 2014.

Tác phẩm "Ký ức Cửa Việt, Quảng Trị" của nhà điêu khắc Kù Kao Khải trưng bày tại triển lãm mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, năm 2014.

Đề tài LLVT&CTCM là mảng đề tài lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc. Nhưng dường như vẫn còn thiếu một động lực để các nghệ sĩ chuyển trạng thái từ quan tâm sang sáng tác. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận được câu trả lời từ nhiều tác giả, rằng: Điêu khắc là loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự đầu tư lớn, không ai bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu đồng để sáng tác một tác phẩm điêu khắc rồi cất trong kho cả; vậy là thường phải đi “ngắm” trước xem chỗ nào có thể trưng bày được tác phẩm, tìm nhà đầu tư rồi mới bắt tay sáng tác. Chính vì thế, khi biết đến dự án về không gian nghệ thuật ngoài trời của Bảo tàng LSQS Việt Nam tại địa điểm mới, nhiều nghệ sĩ đã rất háo hức được tham dự vào dự án này.

15 nhà điêu khắc được mời dự trại sáng tác điêu khắc đề tài LLVT&CTCM lần thứ nhất do Bảo tàng LSQS Việt Nam tổ chức đại diện cho nhiều vùng, miền và cả những nhà giáo đến từ các trường đào tạo mỹ thuật… Đội ngũ này hứa hẹn những thành công bước đầu cho trại sáng tác. Nhà điêu khắc Kim Xuân cho rằng: Với chủ đề rất rộng (từ truyền thuyết dựng nước và giữ nước cho tới giai đoạn quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay), các nghệ sĩ hoàn toàn có đủ chất liệu sáng tác, tác phẩm cũng dễ “trúng” đề bài của ban tổ chức.

Cộng tác viên là đủ?

Lâu nay, người ta vẫn nhắc nhiều đến vấn đề thiếu hụt đội ngũ sáng tác mỹ thuật của quân đội. Song, chúng ta có thể đặt câu hỏi ngược lại: Có cần cả một đội ngũ sáng tác không khi chúng ta có thể xây dựng hệ thống cộng tác viên? Có thể đầu tư, đặt hàng sáng tác đích danh những nghệ sĩ nổi tiếng? Khó có câu trả lời xác đáng, bởi lẽ giữa việc xây dựng đội ngũ riêng và xây dựng hệ thống cộng tác viên đều có những mặt ưu, nhược điểm. Hãy tưởng tưởng nếu những cộng tác viên không bám sát chủ đề tư tưởng, không có được những tác phẩm đúng như mong muốn thì đòi hỏi có một đội ngũ sáng tác riêng sẽ trở nên cấp thiết. Ngược lại, nếu đội ngũ riêng mà trình độ sáng tác non kém, không đáp ứng được yêu cầu thì lại phải đi đặt hàng sáng tác.

Song, đó là mảng hội họa. Riêng với điêu khắc, câu chuyện lại rất khác bởi đầu tư cho điêu khắc rõ ràng sẽ lớn hơn, khắt khe hơn. Tác phẩm cũng phải có địa điểm trưng bày, nếu không sẽ gây lãng phí lớn. Cách làm của một số tỉnh, thành phố hay doanh nghiệp là mở các trại sáng tác điêu khắc để lấy tác phẩm trang trí cho địa phương, đơn vị mình tại những địa điểm trưng bày nhất định. Song, thực tế chất lượng của các trại sáng tác này không cao, ít tác phẩm thật sự xuất sắc. Đó là chưa nói đến những tác phẩm trở thành “thảm họa dư luận”, phải bỏ tác phẩm.

Hiện tại, cách làm của Bảo tàng LSQS Việt Nam là hợp lý và có sáng tạo. Đối với mảng hội họa, bảo tàng đã xây dựng được lực lượng cộng tác viên đông đảo, trong đó nòng cốt là Câu lạc bộ Họa sĩ sáng tác về đề tài LLVT&CTCM. Riêng với mảng điêu khắc, lần đầu tổ chức trại sáng tác như vậy cũng cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Các nhà điêu khắc có thời gian xây dựng ý tưởng trong vài tháng, sau đó sẽ hoàn thiện phác thảo trong dịp trại sáng tác được tập trung. Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam cho biết: “Nhu cầu sử dụng tác phẩm điêu khắc cho không gian trưng bày nghệ thuật điêu khắc ngoài trời của Bảo tàng LSQS Việt Nam tại địa điểm mới là có thật, chúng tôi rất mong muốn có được những tác phẩm điêu khắc ưng ý để trưng bày”.

Hy vọng rằng trại sáng tác điêu khắc lần này của Bảo tàng LSQS Việt Nam sẽ đạt hiệu quả và trở thành thông lệ cho những trại sáng tác tiếp theo.

Bài và ảnh: ĐÔNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tim-vang-trong-trai-sang-tac-dieu-khac-quan-doi-lan-thu-nhat-582660