Tìm tiếng nói chung trong hợp tác công – tư

Đối với mỗi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Nhà nước, nhà đầu tư có những mục tiêu, nhu cầu, khả năng chịu rủi ro khác nhau, sự hợp tác không hề dễ ở bất cứ quốc gia nào.

Đầu tư từ khu vực tư nhân chưa như mong đợi có nguyên nhân từ việc quy định pháp lý chưa theo kịp, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tư từ khu vực tư nhân chưa như mong đợi có nguyên nhân từ việc quy định pháp lý chưa theo kịp, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Ảnh: Lê Tiên

Đối với Việt Nam, cần tiếp tục tìm tiếng nói chung trên cơ sở mục tiêu hiệu quả cho cả hai bên, từ đó tăng mối liên kết giữa khu vực công và tư nhằm đầu tư kết cấu hạ tầng bền vững, dài hạn.

Đây là vấn đề được ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chia sẻ tại Hội nghị ra mắt Nhóm Công tác về cơ sở hạ tầng (IWG) tại Việt Nam ngày 23/11/2018.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài chưa vào dự án PPP?

IWG được thành lập từ tháng 6/2018, là một trong các hoạt động để thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF nhằm thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng dài hạn tại Việt Nam. IWG do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng là Trưởng nhóm, thành viên là đại diện WEF, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan tại Việt Nam. Hoạt động của IWG nhằm cung cấp đầu vào cho các sáng kiến cải thiện kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư tại Việt Nam, với trọng tâm là thúc đẩy hình thức PPP.

Tại Lễ ra mắt IWG, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc huy động các nguồn lực khác cùng Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng đang là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, đến nay, kết quả chưa được như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là của nhà đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng cho rằng có nguyên nhân từ việc chính sách chưa đồng bộ, chưa hình thành thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng, quy định pháp lý chưa theo kịp, nhất là trong lĩnh vực giao thông.

Phân tích nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài chưa rót vốn vào dự án hạ tầng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra một trong những vướng mắc lớn nhất là quy định hiện hành không nêu rõ hỗ trợ của Chính phủ về đảm bảo doanh thu tối thiểu, chuyển đổi ngoại tệ đối với các dự án PPP giao thông. Dự án PPP xây dựng đường dựa vào nguồn doanh thu chính là thu phí, tuy nhiên, dữ liệu và dự báo lưu lượng giao thông chưa chính xác…, nhất là với những dự án đầu tư đường mới. Vì thế, cần có dữ liệu tốt về lưu lượng giao thông hiện tại nhằm mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Nếu yếu tố này không đảm bảo, các nhà đầu tư nước ngoài cần một số hình thức giảm thiểu rủi ro nhằm thu hút các bên cho vay.

ADB cũng chỉ ra sự vận dụng một số quy định pháp lý hiện hành về chi phí, định mức… còn giới hạn sự sáng tạo của khu vực tư nhân, hạn chế tính đổi mới của dự án PPP, hay khiến cho các chi phí không sát với thị trường.

Bước đầu tiên đảm bảo thành công là xác định dự án

Từ những phát hiện bước đầu về khung pháp lý PPP tại Việt Nam, Nhóm Công tác về cơ sở hạ tầng nhận định, những rủi ro về thay đổi pháp luật do quy định về PPP mới ở mức độ nghị định, sự thiếu thống nhất giữa các luật hiện hành đối với dự án PPP là rủi ro cố hữu đối với nhà đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư yêu cầu bảo lãnh rủi ro hoặc các hình thức giảm rủi ro khác. Tuy nhiên, điều này làm tăng chi phí dự án, từ đó tăng gánh nặng chi phí cho người sử dụng dịch vụ. Để giải quyết vấn đề này, việc xây dựng Luật PPP là cần thiết để chứng minh cam kết pháp lý của Nhà nước.

Theo quan điểm của ADB, thành công của chương trình PPP phụ thuộc vào dự án, các đối tác, quá trình, môi trường thuận lợi, bao gồm hỗ trợ từ Chính phủ, năng lực tài chính và thể chế.

Bước đầu tiên để đảm bảo một dự án PPP thành công là xác định được một dự án PPP tiềm năng. ADB đề xuất khi xây dựng Luật PPP cần yêu cầu một quá trình chuẩn bị dự án nghiêm ngặt để xác định và lựa chọn dự án PPP. Một phân tích chính thức để đảm bảo giá trị đồng tiền (value for money - VfM) cần được tiến hành trong việc thẩm định các dự án PPP. Luật phải cung cấp khuôn khổ, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và các công cụ quan trọng như đánh giá thị trường, phân tích VfM. Nghị định và thông tư của Chính phủ sau đó sẽ cung cấp thang điểm chi tiết theo các ngành.

Theo ADB, kinh phí chuẩn bị dự án không đủ có thể dẫn đến chất lượng kém trong việc chuẩn bị dự án và đây cũng là lý do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phụ thuộc nhiều vào các đề xuất dự án của nhà đầu tư (đề xuất tự nguyện). Nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của chuẩn bị dự án, ADB cho rằng cần đảm bảo kinh phí cho việc chuẩn bị dự án. Đối với các dự án do nhà đầu tư tự đề xuất, ADB đề cao tính minh bạch và đấu thầu cạnh tranh để tránh việc lạm dụng, đảm bảo giá trị đồng tiền.

Nguyệt Minh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/tim-tieng-noi-chung-trong-hop-tac-cong-tu-85629.html