Liên minh chống Trung Quốc của Mỹ ở châu Á: 9 người 10 ý

Chính quyền Tổng thống Biden cần một kế hoạch trong cuộc chơi ở châu lục là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới và cũng là nơi có đối thủ lớn nhất của Mỹ.

Kế hoạch tập hợp liên minh của Biden ở châu Á

Chính quyền Tổng thống Biden đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia châu Á trong việc thúc đẩy một liên minh chống lại Trung Quốc, đặc biệt qua việc thúc đẩy sự hợp tác trong Đối thoại An ninh của Bộ tứ Kim cương (Quad) với các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Đội ngũ của nhà lãnh đạo Mỹ cũng đang nỗ lực đạt được tiến triển với Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến chi phí duy trì quân đội Mỹ đồn trú tại đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, sau chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, các quan chức Mỹ đang đau đầu với một câu hỏi có tầm ảnh hưởng sâu rộng: Mỹ nên xây dựng một cấu trúc liên minh như thế nào trong một châu lục là nơi sinh sống của gần 2/3 dân số thế giới, trong đó có cả đối thủ chiến lược lớn nhất của nước này là Trung Quốc?

Chính quyền Tổng thống Biden, giống như chính quyền cựu Tổng thống Trump, coi Trung Quốc là đối thủ địa chính trị hàng đầu của nước Mỹ. Tuy nhiên, thay vì áp dụng hướng tiếp cận đơn phương, chính quyền Tổng thống Biden muốn ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc với sự giúp sức của các đồng minh và đối tác. Trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tập hợp được liên minh các quốc gia châu Âu cùng chí hướng đối đầu với Liên Xô. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Mỹ không có những lựa chọn tương tự. Đặc biệt, câu hỏi quan trọng đặt ra hiện nay là làm thế nào để Washington kiềm chế Bắc Kinh với một tập hợp các đối tác rất khác nhau?

Một quan chức Mỹ nhận định, Mỹ sẽ không tập hợp một liên minh giống như NATO để đối phó với Trung Quốc. Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Biden sẽ chuyển sang hợp tác với các nhóm nhỏ hơn theo các hình thức như: song phương, đa phương hoặc thậm chí các nhóm đa phương có các mục tiêu giống nhau.

"Hãy nhìn xem, vì những lý do khác nhau như lịch sử, địa lý, chính trị, châu Á không có kiểu liên minh với cấu trúc như liên minh xuyên Đại Tây Dương", một quan chức quốc phòng cấp cao nhận định, đồng thời cho biết chính quyền mới có kế hoạch xây dựng một loạt các mối quan hệ với giao điểm hội tụ là sự gặp gỡ về lợi ích.

9 người 10 ý

Hiện nay, quan chức trên cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang hy vọng sẽ thúc đẩy sự hợp tác với các đối tác như ASEAN và Quad. Tuy nhiên, vấn đề là ASEAN chủ yếu tập trung vào các khía cạnh kinh tế và tránh nói đến các vấn đề an ninh. Trong khi đó, Quad đã tập trung trực tiếp hơn vào các vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sau cuộc trao đổi qua video giữa các nhà lãnh đạo và việc Australia tái tham gia vào cuộc tập trận Malabar với Ấn Độ và Nhật Bản sau một thời gian dài tạm dừng.

Tuy nhiên, ngoài Nhật Bản - quốc gia khẳng định sẽ hợp tác với Mỹ về vấn đề Đài Loan, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều tập trung vào việc bảo vệ biên giới của chính mình, các cựu quan chức Mỹ cho hay.

"Về cơ bản, mỗi quốc gia đều sẽ tập trung vào việc bảo vệ đất nước của mình. Từ khía cạnh quân sự, tôi không nghĩ chúng ta đang hướng đến một NATO châu Á", Elbridge Colby, nhà nghiên cứu tại tổ chức Sáng kiến Marathon và là cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Trump nhận định.

Một sự khác biệt nữa là về việc chia sẻ thông tin tình báo. Mỹ, các đồng minh NATO và các đối tác quan trọng như nhóm "Ngũ nhãn" (liên minh tình báo gồm 5 nước: Mỹ, Australia, Canada, Anh, New Zealand – ND) thường xuyên chia sẻ các thông tin với nhau. Tuy nhiên, không có mạng lưới tương tự nào như vậy ở châu Á (mặc dù Australia là một phần của Ngũ nhãn). Các quan chức nhấn mạnh, Ngũ nhãn là một mối quan hệ lâu đời và bền vừng. Việc chia sẻ thông tin trong liên minh ở châu Á, dù là trong bất kỳ nhóm nào, chẳng hạn như Quad, đều cần sự tán thành của các nước thành viên với những sự trao đổi cơ bản.

Về dài hạn, điều Mỹ đang tìm kiếm là một hệ thống cho phép nước này trao đổi các thông tin mật với tất cả đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, Mỹ không có một hệ thống trao đổi thống nhất ở Ấn Độ - Thái Bình Dương mà thông qua các hệ thống đơn lẻ và khác nhau với các nước như Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ.

Với mỗi đối tác và đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ lại có một mức độ mối quan hệ khác nhau. Điều này có thể thấy rõ trong những tuần gần đây qua các chuyển công du của các quan chức Mỹ đến những nước đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực. Tại Tokyo, ông Blinken được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chào đón nồng nhiệt trong cuộc gặp gỡ như cuộc hội ngộ của những người bạn lâu ngày gặp lại. Tuy nhiên, tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc dường như bày tỏ sự nghi ngờ trước lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ về việc "phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên" trong cuộc họp báo cấp cao. Trong khi đó, những bất đồng trong lịch sử chưa thể hóa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hạn chế mối quan hệ này ngoài thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo năm 2019.

Dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng chính quyền ông Biden có thể tận dụng việc châu Á khó có thể trở thành NATO thứ hai để thúc đẩy các mục tiêu của mình.

Một liên minh ở châu Á lỏng lẻo hơn sẽ giúp các đồng minh của Mỹ hợp tác trong việc chia sẻ thông tin và tập trận quân sự mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào sự dẫn dắt của Washington.

"Điều đó không có nghĩa là Mỹ không can dự nữa. Nếu chúng tôi có thể hỗ trợ các đối tác chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ các lợi ích và đảm bảo an ninh của họ, điều đó sẽ tốt cho tất cả các bên", quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đánh giá./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Foreign Policy

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lien-minh-chong-trung-quoc-cua-my-o-chau-a-9-nguoi-10-y-846242.vov