Tìm thấy 'thành phố vàng đã mất' 3.500 năm tuổi

Mới đây, một nhóm nhà khảo cổ Ai Cập công bố đã tìm thấy 'thành phố vàng đã mất' 3.500 năm tuổi với tên gọi Aten - thành phố cổ đại lớn nhất được phát hiện ở Ai Cập.

Bình gốm vẽ được tìm thấy ở thành cổ Aten

Bình gốm vẽ được tìm thấy ở thành cổ Aten

Theo Tiến sĩ Zahi Hawass - cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, đồng thời là trưởng nhóm khảo cổ - thành phố cổ đại Aten có từ thời Vua Amenhotep III, vị Pharaoh trị vì vương quốc cổ đại từ năm 1391-1353 trước Công nguyên.

Các cuộc khai quật được bắt đầu tiến hành hồi tháng 9/2020 ở khu vực nằm giữa những ngôi đền của Ramses III và Amenhotep III gần Luxor, cách thủ đô Cairo khoảng 500km. Khu vực này từng được gọi là “Đại đô thị hàng nghìn năm của Pharaoh”, vì một số xác ướp và cấu trúc đồ sộ đã được phát hiện ở Luxor từ những năm 1800.

Các công nhân tại công trường

Ban đầu, nhóm nghiên cứu khám phá đền thờ Mortuary của Tutankhamun, nơi vị vua trẻ được ướp xác. Sau vòng vài tuần, họ đã phát hiện ra các thành gạch bùn ở mọi hướng và đã khai quật được một số công trình khác nhau của thành phố.

Betsy Bryan, giáo sư nghệ thuật kiêm nhà Ai Cập học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), mô tả phát hiện này là khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai sau khi phát hiện lăng mộ Tutankhamun gần một thế kỷ trước. Thành phố được khai quật nằm giữa đền thờ của Rameses III tại Medinet Habu và đền thờ của Amenhotep III tại Memnon..

Các nhà khảo cổ học tuyên bố: “Các tài liệu tham khảo lịch sử cho chúng tôi biết khu định cư bao gồm 3 cung điện hoàng gia của Vua Amenhotep III, cũng như trung tâm hành chính và công nghiệp của Đế chế. Theo lịch sử, 1 năm sau khi Aten được hình thành, thành phố đã bị bỏ hoang và thủ đô được chuyển đến Amarna. Việc phát hiện ra thành phố đã mất không chỉ cho chúng ta cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại. Nhưng, tại sao thành phố này bị bỏ hoang? Đây vẫn còn là một câu hỏi và chỉ sau những cuộc khai quật sâu hơn của khu vực này mới có thể biết được những gì đã thực sự xảy ra cách đây 3.500 năm”.

Đồ trang trí được phát hiện bên trong thành phố, bao gồm các tác phẩm điêu khắc và đồ trang sức, được trưng bày trong tủ kính

Theo các nhà khảo cổ học, Amenhotep III kế thừa một đế chế trải dài từ sông Euphrates ở Iraq và Syria hiện đại đến Sudan và qua đời vào khoảng năm 1354 trước Công nguyên. Ông cai trị gần 4 thập niên, một triều đại nổi tiếng với sự xa hoa và hùng vĩ của các di tích, bao gồm cả Colossi of Memnon - hai bức tượng đá lớn gần Luxor đại diện cho ông và vợ ông.

Nhóm nghiên cứu lạc quan và tin rằng những phát hiện quan trọng hơn nữa sẽ được tiết lộ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, họ đã phát hiện ra các nhóm lăng mộ mà có thể tiếp cận được nhờ những cầu thang được khắc vào đá - công trình tương tự như những ngôi mộ được tìm thấy ở Thung lũng các vị Vua. Họ hy vọng sẽ khám phá ra những ngôi mộ hoang sơ chứa đầy kho báu.

Tàn tích những bức tường hình chữ S bao quanh các đường phố trong thành phố cổ đại Aten

Mai Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tim-thay-thanh-pho-vang-da-mat-3500-nam-tuoi-608480.html