Tìm thấy mộ cụ tổ 6 đời, tôi đã hoàn thành tâm nguyện của cha

Có một chi tiết mà đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy sởn da gà. Chuyện là, đúng lúc cả nhà tôi đang tập trung đào đất đắp thành nấm mộ lớn cho cụ tổ tôi và hai người 'hàng xóm' vô danh thì bỗng dưng chuông điện thoại reo. Tôi mở máy. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Nguyệt điện: 'Sướng ơi! Hôm nay em về quê tìm mộ cụ tổ à?'. Tôi giật mình: 'Sao chị biết ạ?'. Đầu dây bên kia, vẫn giọng chị Nguyệt: 'Chị Nga và cháu Tuấn báo chị đấy'.

Niềm vui của hai anh em khi tìm được mộ cụ Tổ.

Một lần, tôi mời nhà ngoại cảm Minh Nguyệt về quê chơi. Nhìn bàn thờ gia tiên nhà tôi sắp đặt chưa hợp lý, chị đã bày đặt lại. Chị bảo: “Sướng ơi! Các cụ nhà em linh thiêng lắm. Nhiều cụ thời xưa làm quan. Chính các cụ đã dẫn dắt em đến với tâm linh đấy. Có điều, nhà em mất mộ nhiều quá”. Tôi bảo: “Đó là nỗi đau của gia đình em. Liệu có tìm được không hả chị?”. Chị cười: “Em yên tâm. Sắp tìm được rồi”. Tôi định ngỏ lời nhờ chị tìm song nghĩ đến việc bao nhiêu gia đình liệt sĩ đã chờ đợi chị giúp từ rất lâu rồi nên tôi lại thôi.

Cuối năm, công việc bận rộn cuốn tôi đi. Rồi Tết đến. Sáng mồng 5 Tết năm 2007, anh Nguyễn Khắc Bảy, nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Hà Nội, đưa vợ con lên Văn Miếu – Quốc Tử Giám lễ đầu xuân, nhân tiện anh ghé Hiên trà Trường Xuân thăm tôi. Tay cầm chén trà, mắt anh cứ nhìn chăm chú vào trán tôi. Tôi chột dạ. “Mặt mình bị nhọ hay sao ấy nhỉ?”. Đang định đứng dậy vào nhà vệ sinh soi gương thì anh Bảy hỏi: “Nhà chú bị mất mộ cụ tổ 6 đời à?”. Tôi giật mình. “Sao anh biết ạ?”. Anh Bảy bảo: “Anh nhìn thấy cụ ở trên trán chú”. Tôi chợt nghĩ: “Ồ! Lạ nhỉ! Bao nhiêu năm chơi với anh Bảy, ngồi uống trà với anh không biết bao lần, không thấy anh nói gì về chuyện nhà mình mất mộ. Tại sao hôm nay, anh lại nhìn thấy? Hay bây giờ cụ tổ linh thiêng mới cho thấy? Bây giờ nhà mình mới đủ duyên, đủ phước để tìm?”. “Liệu có tìm được cụ không hả anh?” - Tôi dè dặt hỏi. Vẫn nhìn xoáy vào trán tôi, anh Bảy bảo: “Chắc chắn sẽ tìm được chú ạ. Qua tháng Giêng, anh sẽ tìm cụ cho”.

Tháng Giêng, hầu hết các nhà ngoại cảm ở Việt Nam tạm ngừng việc tìm mộ. Chủ yếu họ đi lễ các đình, chùa, đền, phủ. Anh Nguyễn Khắc Bảy cũng vậy. Chiều ngày 3 tháng 2 âm lịch, anh Bảy chủ động điện thoại cho tôi: “Sáng mai chú bố trí đưa anh về quê nhé, anh tìm mộ cụ cho”. Tôi vội điện thoại về quê thông báo với bác ruột và các cô chú trong gia tộc. Bác tôi vừa nói, vừa khóc trong điện thoại: “Mừng quá cháu ơi! Cầu xin cụ tổ linh thiêng chỉ cho nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy chỗ nằm của cụ để chúng con biết mà xây mộ phần thờ cúng cho tươm tất”.

Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được. Tôi nhớ đến cha tôi. Bao nhiêu năm đau đáu kiếm tìm mộ cụ tổ, đến tận lúc mất, lời trăn trối cuối cùng ông nói với tôi vẫn là chuyện tìm mộ cụ: “Con hãy thay cha tìm mộ cụ. Dù vất vả, khó khăn đến mấy, cũng phải tìm. Nếu không, ở nơi suối vàng, bố không dám gặp cụ. Con hứa với cha đi!”. Nghĩ đến cha, nước mắt tôi trào ra. Thương cha quá chừng. Nếu cha tôi còn sống, đêm nay, chắc ông cũng giống tôi, trằn trọc, thao thức không ngủ được. “Cha ơi! Cha có linh thiêng hãy phù hộ cho công việc tìm mộ cụ ngày mai đạt kết quả cha nhé”. Tôi lầm rầm khấn nguyện cha trong đêm tối.

Sáng hôm sau, tôi lái xe đón anh Bảy về quê sớm. Từ Hà Nội về quê tôi chỉ 28km mà sao tôi thấy đường xa quá. Chắc tại tôi sốt ruột quá mà. Bác tôi và mọi người trong gia tộc cũng sốt ruột chẳng kém. Vừa nhìn thấy anh Bảy bước vào cổng, cả nhà đã chạy ùa ra. Anh Bảy vừa mới nhấp ngụm nước, bác tôi đã xoa xoa hai bàn tay trình bày: “Báo cáo với anh! Chiều qua, cháu Sướng điện thoại báo tin anh về tìm mộ cụ nhà tôi mà tôi vui sướng quá chừng. Cả đêm qua tôi không chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để sớm được gặp anh. Tôi đã đọc nhiều bài báo cháu Sướng viết về anh. Khâm phục anh lắm. Nay nhờ hồng phúc của tổ tiên mà được gặp anh. Trăm sự nhờ anh”. Anh Bảy cười bảo: “Không có gì đâu ông ơi! Con coi chú Sướng như em trai. Tìm mộ cụ là trách nhiệm của con, ông không phải lăn tăn”. Nói đoạn, anh Bảy đề nghị bác tôi ra ngoài hiên nhà ngồi cho sáng. Mắt nhìn chăm chăm vào vầng trán rộng của bác tôi, một lúc sau, anh bảo: “Con nhìn thấy mộ cụ đây rồi”. Mặt bác tôi giãn ra, mắt ánh lên niềm vui. Anh Bảy chậm rãi nói tiếp: “Cụ nằm gần một cái hồ nước nhỏ. Đây không phải là hồ nước tự nhiên mà do nhân tạo. Trước đây, có một người dân địa phương tên là Sơn đã đào đất làm gạch. Lâu dần, thành cái hồ nước. Khi đào, anh ấy thấy 2 cái tiểu nên đã bứng lên rồi chôn vào thửa ruộng gần đó, vô tình chôn sát tiểu của cụ nhà mình. Có điều, 2 chiếc tiểu kia bằng sành còn tiểu của cụ nhà mình được chôn trong quan ngoài quách bằng gỗ vàng tâm”. Bác tôi mặt tái dại. Miệng lắp bắp một hồi, bác mới thốt lên lời: “Trời! Anh nói đúng quá. Mộ cụ tôi đúng là nằm trên cánh đồng có cái hồ nước vốn là thùng gạch do anh Sơn, người thôn Tử La đào. Trước đây, tôi và bố cháu Sướng đã từng vào nhà anh ấy để hỏi dò về việc anh ấy đào thấy 2 chiếc tiểu sành”. Anh Bảy cười trấn an: “Ông cứ bình tĩnh ngồi yên để con nhìn kỹ. Mộ cụ nhà mình nằm trên một thửa ruộng bỏ hoang, gần ngay hồ nước. Bên cạnh chỗ cụ nằm có một cái cây to bằng bắp tay con. Để con nhìn kỹ xem cây gì nào?”. Ghé gần hơn vào khuôn mặt bác tôi, nhìn như xoáy vào vầng trán, anh Bảy khẽ reo: “Con nhìn rõ đó là cây chuối con. Nó nằm ngang trên mặt đất ông ạ”.

Dường như hiểu được nỗi sốt ruột của bác tôi và cả gia đình, không kịp trở vào trong nhà uống nước, anh Bảy đề nghị cả nhà lên đường. Ngồi trên xe, bác tôi chẳng nói gì. Ông chắp hai tay trước ngực, mắt nhắm nghiền, miệng lầm rầm khấn nguyện. Anh Bảy cũng ngồi lặng im, vẻ mặt đầy đăm chiêu. Tôi thì nghĩ đến cha tôi. Có lẽ lúc này, ông cũng đang ngồi trên xe cùng tôi. Và chắc hẳn ông cũng đang hồi hộp lắm.

Mất chừng hơn nửa tiếng đồng hồ mới đến cánh đồng Tử La. Tôi đỗ xe bên đường, ngay cạnh hồ nước. Vừa bước xuống xe, anh Hoàng Nghĩa Tân, con trai thứ ba của bác tôi, là Thạc sĩ hóa của Viện sốt rét ký sinh trùng trung ương kêu toáng lên: “Cây chuối. Cây chuối kìa bố ơi”. Cả nhà hơn chục người cùng hướng mắt về phía tay anh Tân chỉ. Trên thửa ruộng hoang sát bên hồ nước, một cây chuối non to bằng cổ tay, ai đó mới nhổ, vứt nằm chỏng chơ, vẫn còn tươi rói. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Cả cánh đồng rộng mênh mông không có một bụi chuối nào. Vậy cây chuối này ở đâu ra? Lạ quá. Bỗng dưng tóc gáy tôi dựng ngược. Toàn thân sởn da gà. Tôi cảm nhận rất rõ sự linh ứng của cõi tâm linh.

Tấm bạt nhựa được rải vội trên thửa ruộng, gần chỗ cây chuối nằm. Hương, hoa, trà, quả, thực cùng lễ vật mọi thức được bày ra. Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy thắp bảy nén nhang, thành kính dâng cao ngang trán, khấn nguyện thần linh thổ địa cai quản ở xứ đồng Tử La cho phép anh được tìm kiếm mộ cụ. Trong làn khói hương bảng lảng, anh Bảy đưa mắt nhìn mọi người khắp lượt. Dừng ánh mắt nhìn vào anh Tân một hồi, anh Bảy hỏi: “Anh Tân sinh năm bao nhiêu?”. Anh Tân trả lời: “Anh sinh năm 1961”. Anh Bảy bảo: “Anh tuổi Tân Sửu, hợp cụ đấy. Hôm nay cụ chọn anh. Anh cầm chiếc thuốn ra đây. Em chỉ đâu thì anh thuốn đấy nhé”.

Tấm bạt nhựa được rải vội trên thửa ruộng, gần chỗ cây chuối nằm. Hương, hoa, trà, quả, thực cùng lễ vật mọi thức được bày ra. Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy thắp bảy nén nhang, thành kính dâng cao ngang trán, khấn nguyện thần linh thổ địa cai quản ở xứ đồng Tử La cho phép anh được tìm kiếm mộ cụ.

Đi một vòng chậm rãi quanh cây chuối, mắt nhìn như dán chặt xuống đất, anh Bảy dừng lại, bảo anh Tân: “Anh thuốn chỗ này cho em. Sâu chừng 1m”. Mùa xuân, mưa phùn, đất ẩm. Anh Tân đè cả thân người lên chiếc thuốn bằng sắt. Chiếc thuốc lún dần, lún dần. “Cịch”. Mọi người nín thở, căng tai nghe. “Cịch”. Âm thanh nghe rõ mồn một. Anh Tân reo lên: “Đúng hòm gỗ cụ rồi”. Cả nhà cùng reo. Anh Bảy mặt vẫn đăm chiêu. Quan sát kỹ một lúc, anh lấy tay chỉ: “Anh thuốn tiếp cho em chỗ này”. Chỗ thuốn mới anh Bảy chỉ cách vị trí của vết thuốn cũ chừng 45cm. Một lúc sau, lại nghe thấy “cịch”. Âm thanh lần này nghe rõ ràng sự va chạm với gỗ. Cứ thế, anh Tân lần lượt thuốn theo đúng vị trí anh Bảy chỉ. Tám vết thuốn tạo thành một hình chữ nhật có chiều rộng chừng 45cm, chiều dài chừng 85cm. “Đây chính là vị trí chiếc quách bằng gỗ vàng tâm, bên trong chứa chiếc tiểu đựng hài cốt của cụ” – Anh Bảy khẳng định chắc nịch.

“Thế còn 2 chiếc tiểu sành nằm cạnh?” - Bác tôi sốt sắng hỏi. Anh Bảy đứng lặng, nhìn như xuyên thấu lòng đất. Rồi anh giơ tay chỉ chỗ này, chỗ kia. Anh Tân lúc này đã thấm mệt. Anh trai tôi, tên Hoàng Nghĩa Vui, thuốn thay. Kỳ lạ làm sao, khi thuốn sâu xuống lòng đất chừng 1m đều nghe thấy tiếng “cạch” – tiếng xúc chạm của mũi thuốn với tiểu sành. Hơn chục mũi thuốn trong diện tích chừng hơn 1m2 đều xúc chạm và tạo nên âm thanh giống nhau. Hướng về phía bác tôi, anh Bảy hỏi: “Ông có cần cho người đào lên để kiểm tra không ạ?”. Bác tôi nước mắt lưng tròng, vừa cười, vừa mếu: “Ối không! Đào lên phá hỏng long mạch thì chết. Tôi tin tuyệt đối rồi”. Anh Bảy lại hỏi: “Thế ông có cần đào hai chiếc tiểu vô danh khỏi phần mộ của cụ không?”. Ngẫm ngợi một lát, bác tôi bảo: “Thôi anh ạ! Việc hai hài cốt này nằm cạnh cụ tôi âu cũng là cái duyên. Nhiều năm rồi họ đã làm hàng xóm của nhau. Tách ra, chưa chắc đã hay. Vả lại, tôi vẫn sợ đụng chạm đến long mạch”.

Sau này, tôi băn khoăn hỏi bác tôi: “Vì sao bác lại tin đó là tiểu của cụ tổ”. Bác tôi bảo: “Căn cứ vào nhiều điều bắt buộc bác phải tin. Thứ nhất, anh Bảy chưa bao giờ về quê mình. Càng chưa bao giờ về cánh đồng Tử La. Làm sao anh ấy biết được hồ nước do anh Sơn đào gạch mà thành? Làm sao anh ấy biết được khi đào đất làm gạch, anh Sơn đã phát hiện ra 2 chiếc tiểu và đã bứng lên, chôn ở gần mộ cụ? Làm sao anh ấy biết được mộ cụ chôn trong quan ngoài quách, quách đóng bằng gỗ vàng tâm trong khi 2 chiếc tiểu vô danh kia bằng sành? Kỳ lạ hơn là tại sao chỉ nhìn vào trán bác mà anh ấy nhìn thấy rõ mọi thứ cứ như thể trán bác là cái nghĩa địa ấy. Tài thế. Tài hơn nữa là cả cánh đồng rộng mênh mông thế, làm thế nào mà anh ấy lại xác định đúng vị trí của từng chiếc tiểu. Đâu là 2 chiếc tiểu sành. Đâu là chiếc tiểu của cụ đặt bên trong chiếc quách gỗ. Nói thật với cháu, nếu mộ cụ nhà mình không chôn trong quan ngoài quách thì bác cũng nghi ngờ, không biết đó có phải là mộ cụ không. May sao”. Ngừng lời. Rồi như sực nhớ ra điều gì, bác tôi reo lên: “À. Mà còn cây chuối nữa chứ. Lạ quá. Đến bây giờ bác vẫn không hiểu, cây chuối ấy ở đâu ra. Vì cả cánh đồng Tử La, làm gì có khóm chuối nào. Bác cứ vân vi nghĩ, có lẽ cụ tổ linh thiêng, cho hiển thị thành cây chuối đánh dấu để con cháu dễ tìm chăng?”.

Có một chi tiết mà đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy sởn da gà. Chuyện là, đúng lúc cả nhà tôi đang tập trung đào đất đắp thành nấm mộ lớn cho cụ tổ tôi và hai người “hàng xóm” vô danh thì bỗng dưng chuông điện thoại reo. Tôi mở máy. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Nguyệt điện: “Sướng ơi! Hôm nay em về quê tìm mộ cụ tổ à?”. Tôi giật mình: “Sao chị biết ạ?”. Đầu dây bên kia, vẫn giọng chị Nguyệt: “Chị Nga và cháu Tuấn báo chị đấy”. Tôi ứa nước mắt. Trời ơi! Cả hai người mất đã lâu rồi, lại mất khi còn bé mà vẫn dõi theo những hoạt động của chúng tôi, vẫn khóc cười cùng chúng tôi. Tôi nói nhỏ: “Chị ơi! Chị cho em hỏi: Đó có đúng là mộ cụ tổ em không?”. Chị Nguyệt đáp: “Đúng rồi em ạ. Cháu Tuấn đang năn nỉ chị về quê tìm mộ cháu và bác Nga đây này. Cháu nó bảo, mộ cụ tổ đã tìm được rồi. Bây giờ mới đến lượt bác Nga và nó”. Thấy chị Nguyệt nói vậy, tôi liền bảo: “Chị ơi! Em biết chị công việc rất bận. Nhưng vì cháu, vì em, chị bố trí thời gian về quê tìm giúp em nhé”. Chị Nguyệt bảo: “Ừ! Chị cũng đã hứa với cháu rồi. Sang tuần chị sẽ tìm cho”.

Trích trong tập phóng sự “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” tập 3, dự kiến ra mắt đầu tháng 7/2021.

Hoàng Anh Sướng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tim-thay-mo-cu-to-6-doi-toi-da-hoan-thanh-tam-nguyen-cua-cha-a3004.html