Tìm thấy loài ký sinh mới nhờ Twitter

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loại nấm ký sinh hút chất dinh dưỡng từ cơ quan sinh sản của cuốn chiếu. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một loài sinh vật được phát hiện nhờ ảnh chụp trên mạng xã hội Twitter.

Cận cảnh Troglomyces twittei.

Cận cảnh Troglomyces twittei.

Nó được đặt tên là Troglomyces twittei. Loài ký sinh trùng siêu nhỏ gần như chỉ có thể nhìn bằng kính hiển vi này có hình dạng trông giống một con ấu trùng và dài khoảng 100 micromet - tương đương với đường kính trung bình của một sợi tóc. Mỗi bào tử dành toàn bộ vòng đời của nó bám xung quanh bộ phận sinh dục của một con cuốn chiếu đực hoặc cái.

Nhà sinh vật học Ana Sofia Reboleira từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã phát hiện một loài ký sinh mới khi đang sử dụng Twitter. Báo cáo về nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí MycoKeys vào ngày 14/5.

Cụ thể, trong khi sử dụng Twitter, Reboleira đã nhìn thấy ảnh chụp một con vật nhiều chân Mỹ (American millipede), thuộc nhóm động vật thân đốt được đăng bởi Derek Hennen, đang học Tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Virginia. Anh có một tài khoản Twitter chỉ để đăng ảnh những con động vật nhiều chân.

Hai chấm trắng kỳ lạ nổi bật trên lớp xương ngoài của con cuốn chiếu ngay lập tức được Reboleira nhận định là ký sinh trùng. Sau khi kiểm tra một số mẫu vật cuốn chiếu Mỹ trong bộ sưu tập của bảo tàng, Reboleira và các đồng nghiệp của cô đã tìm thấy thêm nhiều ví dụ về loại nấm mới lạ mà trước đây chưa từng có ai để ý hay mô tả.

“Tôi nhìn thấy thứ giống như nấm trên thân con millipede này. Nó chưa từng được tìm thấy trên các loài millipede tại Mỹ”, Reboleira chia sẻ.

Troglomyces twitteri thuộc nhóm nấm ưa côn trùng Laboulbeniales, và là một trong khoảng 30 loài có đặc tính độc quyền là tấn công các động vật chân khớp lớp chân kép. Với phần đầu của chúng bên dưới lớp vỏ ngoài của vật chủ và phần đuôi chọc ra ngoài không khí, ký sinh Troglomyces twittei hút các chất dinh dưỡng từ một đầu, trong khi đầu kia chuẩn bị bào tử để lây nhiễm sang nạn nhân tiếp theo của chúng.

Hoạt động giao phối của cuốn chiếu cung cấp cho các ký sinh trùng một cơ hội hoàn hảo để lây lan bào tử của chúng và có thể giải thích lý do tại sao các tác giả nghiên cứu thường phát hiện ra chúng ở gần bộ phận sinh sản của vật chủ.

“Điều này đã xác nhận sự tồn tại của một loài nấm Laboulbeniales chưa từng được biết đến - loài ký sinh nhỏ, kỳ quái và đầy bí ẩn chuyên tấn công các loài côn trùng và động vật nhiều chân”, báo cáo cho biết.

“Lần đầu tiên một loài sinh vật mới được phát hiện nhờ Twitter. Nó cho thấy tầm quan trọng của các nền tảng xã hội trong việc chia sẻ nghiên cứu để đạt được những thành tựu mới”, Reboleira chia sẻ. Cô cũng khuyến khích mọi người đăng nhiều ảnh thiên nhiên lên mạng xã hội, chú ý những chi tiết nhỏ vì biết đâu một loài sinh vật kỳ lạ nào đó đang hiện diện trong ảnh.

Theo Livescience

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tim-thay-loai-ky-sinh-moi-nho-twitter-20200522115617910.html