Tìm thấy loài chuột chù voi sau 50 năm mất tích

Loài chuột chù voi Somali nhỏ bé có chiếc mũi dài, chùm lông ở đuôi và đôi mắt to đã bị thất lạc 50 năm qua vừa được phát hiện vẫn sống khỏe mạnh ở Djibouti, châu Phi.

Loài chuột chù voi Somali nhỏ bé có chiếc mũi dài, chùm lông ở đuôi và đôi mắt to đã bị thất lạc 50 năm qua vừa được phát hiện vẫn sống khỏe mạnh ở Djibouti, châu Phi.

Chuột chù voi Somali còn gọi là sengi Somali (Elephantulus revoilii) giống voi hơn chuột, có cái mũi linh hoạt giống loài lợn đất aardvark hoặc lợn biển.

Chuột chù voi có thể chạy lên đến 30 km/giờ hoặc nhiều hơn. Chúng giao phối một vợ một chồng, con đực và con cái gắn bó với nhau suốt đời.

Sengi Somali đã không được nhìn thấy kể từ năm 1968. Theo một tuyên bố từ Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (GWC), dữ liệu về loài động vật có vú nhỏ bé ít người biết đến là từ 39 mẫu vật riêng lẻ được thu thập cách đây hàng thập kỷ cho đến hàng thế kỷ và hiện được lưu trữ trong các bảo tàng.

Vào năm 2019, một nhóm các nhà khoa học từ Mỹ và quốc gia Đông Phi Djibouti đã lên đường tìm kiếm loài này sau khi nhận được tin báo rằng những sinh vật này có thể đang ẩn náu ở Djibouti, mặc dù trước đó chúng chỉ được tìm thấy ở Somalia.

Một người dân địa phương xác nhận sinh vật này từ những bức ảnh cũ và nói rằng ông đã nhìn thấy con vật trước đây.

Đặt bẫy tìm kiếm chuột chù voi Somali trong chuyến thám hiểm năm 2019. Ảnh: Steven Heritage, Đại học Duke.

Đặt bẫy tìm kiếm chuột chù voi Somali trong chuyến thám hiểm năm 2019. Ảnh: Steven Heritage, Đại học Duke.

Từ kiến thức do người dân địa phương cung cấp và thực tế loài chuột chù voi cần nơi trú ẩn khỏi chim săn mồi, nhóm nghiên cứu đã đặt bẫy ở những vị trí có thể bắt gặp chúng. Mồi bẫy chúng là hỗn hợp bơ đậu phộng, bột yến mạch và men. Họ bắt được một con chuột chù voi trong cái bẫy đầu tiên được đặt ở vùng khô cằn, nhiều đá, xác định nó bằng chùm lông trên đuôi giúp phân biệt nó với các loài sengi khác.

Ông Steven Heritage, một nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học Duke, Mỹ, cho biết: “Khi chúng tôi mở chiếc bẫy đầu tiên và nhìn thấy chùm lông nhỏ trên đầu đuôi của nó, chúng tôi chỉ nhìn nhau và không thể tin được. Một số cuộc điều tra về động vật có vú nhỏ kể từ những năm 1970 đã không tìm thấy loài chuột chù voi này ở Djibouti”.

Ông Steven Heritage bắt được một con chuột chù voi Somali khi thực địa ở Djibouti. Ảnh: Đại học Duke.

Nhóm nghiên cứu rất vui khi không chứng kiến bất kỳ mối đe dọa nào đến môi trường sống của chuột chù voi Somali, nơi phần lớn đất đai không thích hợp cho các hoạt động của con người như phát triển hoặc nông nghiệp, cho thấy một tương lai an toàn cho loài này.

Tiến sĩ Robin Moore, thuộc nhóm Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (GWC) cho biết: “Thông thường khi tìm lại các loài đã mất, chúng tôi chỉ tìm thấy một hoặc hai cá thể và phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự tuyệt chủng sắp xảy ra với chúng”.

Nhóm nghiên cứu đã đặt hơn 1.000 bẫy ở nhiều địa điểm và nhìn thấy tổng cộng 12 con chuột chù voi, thu được những bức ảnh và video đầu tiên về những con vật đang sống để làm tài liệu khoa học. Phân tích DNA cho thấy chuột chù voi Somali có quan hệ họ hàng gần nhất với các loài sengi khác sống ở xa như Morocco và Nam Phi.

Điều này có nghĩa là giờ đây chúng đã được xếp vào một chi mới là Galegeeska. Phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí khoa học PeerJ ngày 18-8.

Ông Andrew Taylor, phụ trách nhóm chuyên gia về chuột chù voi của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết: “Trong một chuyến thám hiểm duy nhất đến một khu vực đầy thách thức của châu Phi, nhóm đã đạt được thành công đáng kể. Họ không chỉ chính thức ghi lại sự tồn tại tiếp tục của loài chuột chù voi Somali lần đầu tiên sau 50 năm, họ còn bổ sung những hiểu biết của con người về loài này".

Nhà sinh thái học Houssein Rayaleh, thuộc Hiệp hội Tự nhiên Djibouti nói: “Đối với những người sống ở Djibouti, chúng tôi chưa bao giờ coi chuột chù voi là “thất lạc”. Nhưng nghiên cứu mới này đã đưa chuột chù voi Somali trở lại cộng đồng khoa học”.

Nhà sinh thái học Houssein Rayaleh gần đây đã giúp một nhóm chuyên gia về chuột chù voi xác định vị trí của chuột chù voi Somali, một loài bị mất tích trong cộng đồng khoa học quốc tế từ năm 1968. Ảnh: Houssein Rayaleh.

“Còn đối với Djibouti, điều này làm nổi bật sự đa dạng sinh học tuyệt vời của đất nước chúng tôi và cho thấy rằng có cơ hội cho những nghiên cứu khoa học mới ở đây”, ông Rayaleh nói tiếp.

Dự án Tìm kiếm các loài đã mất của GWC bao gồm danh sách 25 loài "bị truy nã gắt gao nhất", và chuột chù voi Somali trước đây là sinh vật thứ năm được khám phá lại. Những loài khác bao gồm kỳ nhông leo núi Jackson ở Guatemala và ong khổng lồ Wallace ở Indonesia.

Tiến sĩ Moore cho biết: “Việc khám phá lại loài chuột chù voi tuyệt vời này mang đến cho chúng tôi niềm hy vọng mới về những loài động vật có vú nhỏ còn lại trong danh sách của chúng tôi, chẳng hạn như chuột chũi vàng De Winton và loài bọ hung đảo Ilin”.

HOÀNG THẢO (Theo Guardian, Livescience, Globalwildlife, duke.edu)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/khoa-hoc/tim-thay-loai-chuot-chu-voi-sau-50-nam-mat-tich-613577/